VIETNAM CORPUS LINGUISTICS (VCL)

NGÔN NGỮ HỌC KHỐI LIỆU

Archive for the ‘FOR VIETNAMESE CORPORA’ Category

TỪ VÀ CỤM TỪ MỚI TIẾNG VIỆT * NEW APPEARED VIETNAMESE WORDS AND PHRASES (regualar update)

Posted by corling on January 16, 2017

This slideshow requires JavaScript.

Posted in Corpus Technology in Education and Training, For the References, PUBLICATIONS | Leave a Comment »

TỪ VÀ CỤM TỪ MỚI TIẾNG VIỆT * NEW APPEARED VIETNAMESE WORDS AND PHRASES (regualar update)

Posted by corling on January 1, 2017

This slideshow requires JavaScript.

Posted in Corpus Technology in Education and Training, DICTIONARIES, FOR PARALLEL CORPORA, FOR VIETNAMESE CORPORA, PUBLICATIONS | Leave a Comment »

Tóm lược Lý thuyết Ngôn ngữ học Khối liệu

Posted by corling on November 29, 2015

Dr. Đào Hồng Thu (2011)

IMG_0083 IMG_0084 IMG_0085 IMG_0086 IMG_0087IMG_0064

Posted in For the References, NEWS & EVENTS, Overview of Corpus Linguistics | Leave a Comment »

Triết lý “Con rùa”

Posted by corling on November 13, 2011

TP – Trong một ngày buồn khi nhận ra rằng để thực hiện các công việc mới là không dễ dàng, tôi đã thử cố giải thích lý do nào, triết lý nào giúp người ta có thể tồn tại như vậy.

Bản tính nào của người Việt làm cho công việc chậm chạp như vậy. Tuy chưa thể triết tự cặn kẽ nhưng vài lý luận sau cũng làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

Xin được tự giới thiệu tôi là một con rùa, là một trong tứ linh, vì vậy, tôi mang trong mình một truyền thống sâu đậm. Và hơn lúc nào hết, tôi thấy triết lý sống của mình được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt với trí thức trẻ. Sau đây tôi sẽ làm sáng tỏ đầy đủ các vấn đề từ dinh dưỡng đến lối sống.

Đầu tiên, về vấn đề dinh dưỡng, các bạn trí thức trẻ cần phải có một dạ dày kiểu rùa, tức là duy trì sự tồn tại với mức đầu vào tối thiểu.

Hầu hết các tri thức trẻ hiện nay đang công tác tại các nơi công quyền hay viện trường nghiên cứu nào đó đều chỉ có một loại lương duy nhất là lương theo đúng bậc của nhà nước.

Khác xa với các bạn bè đã tham gia trong lĩnh vực kinh doanh, làm cho công ty nào đó hoặc đã xuất ngoại, các tri thức trẻ của chúng ta đa phần phải tìm cách kiếm thêm phần thu nhập nếu không muốn ngửa tay xin tài trợ của cha mẹ dù đã đến tuổi “tam thập nhi lập”.

Sáng sớm tại các bến xe thỉnh thoảng vẫn thấy các tay xe ôm kính trắng, đôi khi còn mang cả cặp tranh thủ một vài “cuốc” trước khi đến nhiệm sở. Gia sư vẫn được lựa chọn dù phải tranh cướp thị phần từ các sinh viên vốn khó khăn không kém. Chắc hẳn sẽ có một tổng kết thú vị nếu có một nghiên cứu về các cách kiếm sống của tầng lớp này.

Tiếp theo về phong cách sống, tôi xin truyền đến cho các bạn một cuốn cẩm nang mang tên “Rùa và Thỏ”. Cuốn này tôi đã đúc rút kinh nghiệm bằng cả cuộc đời, đó là bí quyết thắng lợi và đang được rất nhiều bạn trí thức trẻ áp dụng.

Đối với các bạn, hiện đang chỉ là một chi tiết nhỏ trong một bộ máy cồng kềnh, nặng nề nhưng đầy sức mạnh. Nó sẽ dễ dàng nghiền nát các bạn nếu dám cản trở sự chuyển động của nó. Trong quá trình đi lên, các bạn sẽ cần càng cứng cáp bao nhiêu, chậm rãi bao nhiêu càng tốt.

Do đó, quy cách sống của tôi, của rùa đáng để các bạn học hỏi. Tôi không ngạc nhiên khi một bạn trẻ vừa được giao nhiệm vụ tâm sự “nói chung là nên nghe lời sếp, đừng quá sáng tạo, càng chạy nhanh càng chết”.

Tôi biết nhiều bạn cảm thấy băn khoăn, như thế làm sao mà tiến bộ được, làm sao mà đi lên được. Xin các bạn hãy đọc cuốn thánh kinh của tôi “Rùa và Thỏ” để hiểu được triết lý này. Các bạn cần hiểu rằng, trong một nơi mà “sống lâu lên lão làng” thì các đức tính kiên nhẫn và sống dai của rùa là lợi thế không thể thiếu.

Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy tên tôi đã nổi danh, các dự án cho đến các cách hành xử mang tên tôi đã cho thấy một phong cách sống “rùa” hiện hữu.

Các bạn trí thức trẻ cũng đang góp phần to lớn trong việc tôn vinh phong cách sống này bằng cách hàng loạt các binh đoàn rùa tại các nơi vẫn đang nằm chờ thời.

Và nếu các bạn “rùa” thì các bạn sẽ lên rất nhanh. Các bạn đã thấy chưa, bạn có thể dùng tên tôi như một tính từ, đó là hiệu quả của việc phong cách của tôi đã đi vào cuộc sống, hiện hữu và không thể phai nhòa.

Nói tóm lại, phong cách sống của tôi là một thực tế thành công không thể chối cãi, nó tốt hơn cách bạn đọc Đắc nhân tâm hay Sơ đồ tư duy nhiều lần. Nó sẽ giúp các bạn vững vàng sống sót nhưng các bạn đừng ngạc nhiên khi ai đó gọi ra đúng cách mà bạn đang sống “Đồ con rùa”.        

Đàm Quang Minh

Nguồn: Chuyên mục ‘Người Việt  – Phẩm chất & thói hư, tật xấu. Nxb. Thanh niên, tr.72-74

Posted in For the References, NEWS & EVENTS | Leave a Comment »

Năng lượng gió của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng

Posted by corling on October 29, 2011

Vũ Thành Tự Anh, Đàm Quang Minh

Năng lượng là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người và là một yếu tố đầu vào không thể thiếu được của hoạt động kinh tế. Khi mức sống của người dân càng cao, trình độ sản xuất của nền kinh tế ngày càng hiện đại thì nhu cầu về năng lượng cũng ngày càng lớn, và việc thỏa mãn nhu cầu này thực sự là một thách thức đối với hầu hết mọi quốc gia. Ở Việt Nam, sự khởi sắc của nền kinh tế từ sau Đổi Mới làm nhu cầu về điện gia tăng đột biến trong khi năng lực cung ứng chưa phát triển kịp thời. Nếu tiếp tục đà này, nguy cơ thiếu điện vẫn sẽ còn là nỗi lo thường trực của ngành điện lực Việt Nam cũng như của các doanh nghiệp và người dân cả nước.

Bài viết này được bố cục như sau. Trong phần đầu tiên, chúng tôi sẽ phân tích một cách ngắn gọn tình hình cung – cầu điện năng ở Việt Nam. Sau đó, bài viết bàn đến một số lựa chọn của Việt Nam trong việc giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, chúng ta phải chuyển dần sang các dạng năng lượng mới, đặc biệt chú trọng tới các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường. Trong phần cuối cùng của bài viết, chúng tôi xem xét tiềm năng và tính khả thi của một nguồn năng lượng tái tạo sạch – đó là năng lượng gió – như là một gợi ý trong chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng. Chúng tôi hết sức thận trọng khi đưa ra những nhận định về các lựa chọn chiến lược nhằm đảm bảo cung ứng điện năng phục vụ nhu cầu phát triển cũng như để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp quay lại chủ đề rất quan trọng này trong một bài viết khác, sau khi có điều kiện tiến hành những nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ hơn đối với bài toán an ninh năng lượng từ góc độ kinh tế học năng lượng.

Tình hình cung – cầu điện năng ở Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng trung bình của sản lượng điện ở Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đạt mức rất cao, khoảng 12-13%/năm – tức là gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Chiến lược công nghiệp hóa và duy trì tốc độ tăng trưởng cao để thực hiện „dân giàu, nước mạnh“ và tránh nguy cơ tụt hậu sẽ còn tiếp tục đặt lên vai ngành điện nhiều trọng trách và thách thức to lớn trong những thập niên tới. Để hoàn thành được những trọng trách này, ngành điện phải có khả năng dự báo nhu cầu về điện năng của nền kinh tế, trên cơ sở đó hoạch định và phát triển năng lực cung ứng của mình.

Việc ước lượng nhu cầu về điện không hề đơn giản, bởi vì nhu cầu về điện là nhu cầu dẫn xuất. Chẳng hạn như nhu cầu về điện sinh hoạt tăng cao trong mùa hè là do các hộ gia đình có nhu cầu điều hòa không khí, đá và nước mát. Tương tự như vậy, các công ty sản xuất cần điện là do điện có thể được kết hợp với các yếu tố đầu vào khác (như lao động, nguyên vật liệu v.v.) để sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng. Nói cách khác, chúng ta không thể ước lượng nhu cầu về điện một cách trực tiếp mà phải thực hiện một cách gián tiếp thông qua việc ước lượng nhu cầu của các sản phẩm cuối cùng (2). Nhu cầu này, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế và xã hội khác. Bảng dưới đây cung cấp dữ liệu lịch sử của một số biến số ảnh hưởng tới nhu cầu về điện ở Việt Nam trong những năm qua.

Bảng 1: Một số biến số ảnh hưởng tới nhu cầu về điện ở Việt Nam (1990 – 2003)


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một cách khác để nhìn vào khía cạnh cầu về điện năng là phân tách tổng cầu về điện theo các ngành kinh tế (Hình 1). Ta thấy số liệu ở Bảng 1 và Hình 1 tương thích với nhau. Nhu cầu về điện năng trong công nghiệp và sinh hoạt/ hành chính chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nhu cầu. Năm 2005, điện phục vụ tiêu dùng và công nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, lần lượt là 43,81% và 45,91%, trong khi 11% còn lại dành cho nông nghiệp và các nhu cầu khác. Nhu cầu điện của khu vực công nghiệp tăng cao là hệ quả trực tiếp của chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, mà một biểu hiện của nó là tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN trung bình trong hơn 10 năm qua đạt mức khá cao là 10,5%. Còn ở khu vực tiêu dùng, cùng với mức tăng dân số, tốc độ đô thị hóa khá cao, và gia tăng thu nhập của người dân, nhu cầu về điện tiêu dùng cũng tăng với tốc độ rất cao. Kết quả là nhu cầu về điện của toàn nền kinh tế tăng trung bình gần 13%/năm, và tốc độ tăng của mấy năm trở lại đây thậm chí còn cao hơn mức trung bình. Theo dự báo, tốc độ tăng chóng mặt này sẽ còn tiếp tục được duy trì trong nhiều năm tới. Đây thực sự là một thách thức to lớn, buộc ngành điện phải phát triển vượt bậc để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bây giờ hãy thử kết hợp những dự báo về nhu cầu điện năng của nền kinh tế với năng lực cung ứng của ngành điện. Nếu tốc độ phát triển nhu cầu về điện tiếp tục duy trì ở mức rất cao 14-15%/năm như mấy năm trở lại đây thì đến năm 2010 cầu về điện sẽ đạt mức 90.000 GWh, gấp đôi mức cầu của năm 2005. Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục được duy trì ở mức 7,1%/năm thì nhu cầu điện sản xuất của Việt Nam vào năm 2020 sẽ là khoảng 200.000 GWh, vào năm 2030 là 327.000 GWh. Trong khi đó, ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện truyền thống thì sản lượng điện nội địa của chúng ta cũng chỉ đạt mức tương ứng là 165.000 GWh (năm 2020) và 208.000 GWh (năm 2030). Điều này có nghĩa là nền kinh tế sẽ bị thiếu hụt điện một cách nghiêm trọng, và tỷ lệ thiếu hụt có thể lên tới 20-30% mỗi năm. Nếu dự báo này của Tổng Công ty Điện lực trở thành hiện thực thì hoặc là chúng ta phải nhập khẩu điện với giá đắt gấp 2-3 lần so với giá sản xuất trong nước, hoặc là hoạt động sản xuất của nền kinh tế sẽ rơi vào đình trệ, còn đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không phải đợi đến năm 2010 hay 2020, ngay trong thời điểm hiện tại chúng ta cũng đã được “nếm mùi” thiếu điện. Năm 2005, lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, người dân ở hai trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước chịu cảnh cắt điện luôn phiên gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế (3).

Một số lựa chọn chính sách của Việt Nam

Đứng trước thách thức thiếu hụt điện (không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu), chúng ta cần cân nhắc những biện pháp ứng xử thích hợp. Trong ngắn hạn, việc tiết kiệm điện trong các hoạt động sản suất và sinh hoạt đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét phương án tăng giá điện như đề xuất hiện nay của Bộ Công nghiệp. Việc tăng giá điện một mặt có tác dụng điều chỉnh mức cầu về điện năng, mặt khác giúp tăng tích lũy để mở rộng đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên, vì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của quảng đại nhân dân và của hoạt động sản xuất kinh doanh nên giải pháp tăng giá điện cần được cân nhắc một cách thận trọng. Phương án tăng giá điện phải tính đến tính công bằng giữa các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau, trong đó cần hạn chế đến mức độ tối đa tác động tiêu cực đối với các nhóm dân cư có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý rằng điện là một yếu tố đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc tăng giá điện sẽ có thể ảnh hưởng tới mức lạm phát vốn đã xấp xỉ ngưỡng 2 con số. Không những thế, nếu nhìn sang các nước xung quanh thì thấy ngay với mức giá hiện tại, giá điện của Việt Nam đã cao hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xia, và Ma-lay-xia. Như vậy, việc tăng thêm giá điện 10-15% trong năm nay và những năm kế tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vốn đã bị giảm liên tục trong mấy năm trở lại đây.

Trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần có chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách một mặt mở rộng khai thác những nguồn năng lượng truyền thống; mặt khác, thậm chí còn quan trọng hơn, phát triển các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Khả năng này phụ thuộc rất nhiều vào những phát triển của công nghệ trong tương lai cũng như vào mức giá tương đối của các nguồn năng lượng khác nhau. Cho đến thời điểm này, chúng ta mới chú trọng đến phương án thứ nhất, tức là tiếp tục khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, chủ yếu là thủy điện. Về kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mới, ngày 3/1/2006 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ”Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình tới năm 2020”. Theo dự báo của Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia thì vào năm 2020, nếu theo đúng tiến độ thì công suất điện hạt nhân sẽ đạt mức 2000 MW, bằng 7% tổng công suất. Cũng theo dự báo này, khi ấy nhiệt điện khí sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%), sau đó là đến thủy điện (29%), nhiệt điện than (17%) và nhập khẩu (9%).

Trong phần cuối của bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích tiềm năng của một dạng năng lượng tái tạo và sạch ở Việt Nam, đó là năng lượng gió. Phần này không có tham vọng trình bày một cách tổng quan hay đầy đủ mọi khía cạnh của việc phát triển năng lượng gió, mà chỉ nhằm góp thêm một lời bàn về khả năng phát triển năng lượng gió nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam. Một điều đáng lưu ý là trong hàng loạt giải pháp phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế (như nhập khẩu điện, phát triển thủy điện, hay điện hạt nhân), dường như Việt Nam còn bỏ quên điện gió, một nguồn điện mà trong mấy năm trở lại đây có tốc độ phát triển cao nhất trên thị trường điện thế giới, hơn nữa giá thành ngày càng rẻ và rất thân thiện với môi trường.

Giá thành của điện gió, liệu có đắt như định kiến?

Cho đến tận những năm 1990, nhiều người vẫn cho rằng giá thành (bao gồm giá lắp đặt và vận hành) của các trạm điện gió khá cao. Nhưng ngày nay, định kiến này đang được nhìn nhận và đánh giá lại, đặc biệt khi quan niệm giá thành không chỉ bao gồm chi phí kinh tế mà còn gồm cả những chi phí ngoài (external cost – như chi phí về xã hội do phải tái định cư, hay về môi trường do ô nhiễm). Trong khi nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang bị coi là kém ổn định và có xu thế tăng giá, thì cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành của các trạm điện gió càng ngày càng rẻ hơn.

Thử lấy một ví dụ cụ thể để so sánh giá thành của điện gió và thủy điện. Nhà máy thủy điện Sơn La với 6 tổ máy, tổng công suất thiết kế là 2400 MW, được dự kiến xây dựng trong 7 năm với tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD. Giá thành khi phát điện (chưa tính đến chi phí môi trường) là 70 USD/MWh. Như vậy để có được 1 KW công suất cần đầu tư 1.000 USD trong 7 năm. Trong khi đó theo thời giá năm 2003 đầu tư cho 1 KW điện gió ở nhiều nước Châu Âu cũng vào khoảng 1.000 USD. Đáng lưu ý là giá thành này giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ. Nếu thời gian sử dụng trung bình của mỗi trạm điện gió là 20 năm thì chi phí khấu hao cho một KWh điện gió là sẽ 14 USD. Cộng thêm chi phí thường xuyên thì tổng chi phí quản lý và vận hành sẽ nằm trong khoảng 48 – 60 USD/MWh – tương đương với thủy điện, vốn được coi là nguồn năng lượng rẻ và hiệu quả. Theo dự đoán, đến năm 2020 giá thành điện gió sẽ giảm đáng kể, chỉ khoảng 600 USD/KW, khi ấy chi phí quản lý và vận hành sẽ giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 USD/MWh (4),(5).

Ở Việt Nam cũng đã có một dự án điện gió với công suất 50 MW, đó là nhà máy điện gió Phương Mai ở Bình Định phục vụ cho Khu Kinh tế Nhơn Hội. Tổng đầu tư giai đoạn 1 cho 50MW điện là 65 triệu USD, và giá bán điện dự kiến là 45 USD/MWh (6). Tiếc rằng tiến độ xây dựng nhà máy quá chậm chạp (mặc dù thời gian dự kiến xây lắp chỉ trong khoảng một năm), và vì vậy không thể đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án một cách chính xác để so sánh với giá thành của các nguồn năng lượng khác hiện có ở Việt Nam.

 

 

Những lợi ích về môi trường và xã hội của điện gió

Năng lượng gió được đánh giá là thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Để xây dựng một nhà máy thủy điện lớn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các rủi ro có thể xảy ra với đập nước. Ngoài ra, việc di dân cũng như việc mất các vùng đất canh tác truyền thống sẽ đặt gánh nặng lên vai những người dân xung quanh khu vực đặt nhà máy, và đây cũng là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách. Hơn nữa, các khu vực để có thể quy hoạch các đập nước tại Việt Nam cũng không còn nhiều.

Song hành với các nhà máy điện hạt nhân là nguy cơ gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân xung quanh nhà máy. Các bài học về rò rỉ hạt nhân cộng thêm chi phí đầu tư cho công nghệ, kĩ thuật quá lớn khiến càng ngày càng có nhiều sự ngần ngại khi sử dụng loại năng lượng này.

Các nhà máy điện chạy nhiên liệu hóa thạch thì luôn là những thủ phạm gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Hơn thế nguồn nhiên liệu này kém ổn định và giá có xu thế ngày một tăng cao.

Khi tính đầy đủ cả các chi phí ngoài – là những chi phí phát sinh bên cạnh những chi phí sản xuất truyền thống, thì lợi ích của việc sử dụng năng lượng gió càng trở nên rõ rệt. So với các nguồn năng lượng gây ô nhiễm (ví dụ như ở nhà máy nhiệt điện Ninh Bình) hay phải di dời quy mô lớn (các nhà máy thủy điện lớn), khi sử dụng năng lượng gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa mầu hay tái định cư, và họ cũng không phải chịu thêm chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm.

Ngoài ra với đặc trưng phân tán và nằm sát khu dân cư, năng lượng gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải. Hơn nữa, việc phát triển năng lượng gió ở cần một lực lượng lao động là các kỹ sư kỹ thuật vận hành và giám sát lớn hơn các loại hình khác, vì vậy giúp tạo thêm nhiều việc làm với kỹ năng cao.

Tại các nước Châu Âu, các nhà máy điện gió không cần đầu tư vào đất đai để xây dựng các trạm tourbin mà thuê ngay đất của nông dân. Giá thuê đất (khoảng 20% giá thành vận hành thường xuyên) giúp mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, trong khi diện tích canh tác bị ảnh hưởng không nhiều.

 

Cuối cùng, năng lượng gió giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, là một điều kiện quan trọng để tránh phụ thuộc vào một hay một số ít nguồn năng lượng chủ yếu; và chính điều này giúp phân tán rủi ro và tăng cường an ninh năng lượng.

Tiềm năng điện gió của Việt Nam

Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có một thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng Biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại Biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa (7).

Trong chương trình đánh giá về Năng lượng cho Châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (Bảng 2). Như vậy Ngân hàng Thế giới đã làm hộ Việt Nam một việc quan trọng, trong khi Việt Nam còn chưa có nghiên cứu nào đáng kể. Theo tính toán của nghiên cứu này, trong bốn nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ „tốt“ đến „rất tốt“ để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái-lan cũng chỉ là 0,2% (8). Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tất nhiên, để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật, và cuối cùng, thành tiềm năng kinh tế là cả một câu chuyện dài; nhưng điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách thấu đáo tiềm năng to lớn về năng lượng gió ở Việt Nam.

Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió. Đây quả thật là một ưu đãi dành cho Việt Nam mà chúng ta còn thờ ơ chưa nghĩ đến cách tận dụng.

Đề xuất một khu vực xây dựng điện gió cho Việt Nam

Ở Việt Nam, các khu vực có thể phát triển năng lượng gió không trải đều trên toàn bộ lãnh thổ. Với ảnh hưởng của gió mùa thì chế độ gió cũng khác nhau. Nếu ở phía bắc đèo Hải Vân thì mùa gió mạnh chủ yếu trùng với mùa gió đông bắc, trong đó các khu vực giàu tiềm năng nhất là Quảng Ninh, Quảng Bình, và Quảng Trị. Ở phần phía nam đèo Hải Vân, mùa gió mạnh trùng với mùa gió tây nam, và các vùng tiềm năng nhất thuộc cao nguyên Tây Nguyên, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt là khu vực ven biển của hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo nghiên cứu của NHTG, trên lãnh thổ Việt Nam, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn, còn có một thuận lợi là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7 m/s tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3 – 3,5 MW. Thực tế là người dân khu vực Ninh Thuận cũng đã tự chế tạo một số máy phát điện gió cỡ nhỏ nhằm mục đích thắp sáng. Ở cả hai khu vực này dân cư thưa thớt, thời tiết khô nóng, khắc nghiệt, và là những vùng dân tộc đặc biệt khó khăn của Việt Nam.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như đã nêu trên, nhưng khi nói đến năng lượng gió, chúng ta cần phải lưu ý một số đặc điểm riêng để có thể phát triển nó một cách có hiệu quả nhất. Nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Vì vậy khi thiết kế, cần nghiên cứu hết sức nghiêm túc chế độ gió, địa hình cũng như loại gió không có các dòng rối vốn ảnh hưởng không tốt đến máy phát. Cũng vì lý do phụ thuộc trên, năng lượng gió tuy ngày càng hữu dụng nhưng không thể là loại năng lượng chủ lực. Tuy nhiên, khả năng kết hợp giữa điện gió và thủy điện tích năng lại mở ra cơ hội cho chúng ta phát triển năng lượng ở các khu vực như Tây Nguyên vốn có lợi thế ở cả hai loại hình này. Một điểm cần lưu ý nữa là các trạm điện gió sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành cũng như phá vỡ cảnh quan tự nhiên và có thể ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến. Do đó, khi xây dựng các khu điện gió cần tính toán khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực.

Thay cho lời kết

Nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, trong trung hạn Việt Nam cần tiếp tục khai thác các nguồn năng lượng truyền thống. Về dài hạn, Việt Nam cần xây dựng chiến lược và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng mới. Trong chiến lược này, chi phí kinh tế (bao gồm cả chi chí trong và chi chí ngoài về môi trường, xã hội) cần phải được phân tích một cách kỹ lưỡng, có tính đến những phát triển mới về mặt công nghệ, cũng như trữ lượng và biến động giá của các nguồn năng lượng thay thế. Trong các nguồn năng lượng mới này, năng lượng gió nổi lên như một lựa chọn xứng đáng, và vì vậy cần được đánh giá một cách đầy đủ.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Việc không đầu tư nghiên cứu và phát triển điện gió sẽ là một sự lãng phí rất lớn trong khi nguy cơ thiếu điện luôn thường trực, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, hiện nay chiến lược quốc gia về điện dường như mới chỉ quan tâm tới thủy điện lớn và điện hạt nhân – những nguồn năng lượng có mức đầu tư ban đầu rất lớn và ẩn chứa nhiều rủi ro về cả mặt môi trường và xã hội.

Nếu nhìn ra thế giới thì việc phát triển điện gió đang là một xu thế lớn, thể hiện ở mức tăng trưởng cao nhất so với các nguồn năng lượng khác. Khác với điện hạt nhân vốn cần một quy trình kỹ thuật và giám sát hết sức nghiêm ngặt, việc xây lắp điện gió không đòi hỏi quy trình khắt khe đó. Với kinh nghiệm phát triển điện gió thành công của Ấn Độ, Trung Quốc, và Phi-lip-pin, và với những lợi thế về mặt địa lý của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển năng lượng điện gió để đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Liệu Việt Nam có thể „đi tắt, đón đầu“ trong phát triển nguồn năng lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách ngày hôm nay. 

(1) TS. Vũ Thành Tự Anh – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đàm Quang Minh – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

(2) Về mặt kỹ thuật, để ước lượng chính xác nhu cầu về điện, chúng ta còn phải xem xét khả năng thay thế giữa điện năng và các yếu tố đầu vào khác trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cuối cùng; và điều này phụ thuộc vào công nghệ tương lai mà trên thực tế rất khó có thể dự báo một cách chính xác.

(3) Thiếu điện: Hà Nội ngột ngạt“, VietnamNet – http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/05/437949/
(4) Wind Power Economic – Wind Energy costs – investment factors. EWEA 2005 – http://www.eawa.org (các giá thành được quy đổi theo tỷ giá 1 Euro = 1,2 USD)

(5) Danish Wind Industry Association, http://www.windpower.org/en/tour/econ/index.htm
(6) Điện năng từ gió, tiềm năng chưa được đánh thức, http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/05/3B9DE056/
(7) Biển Đông, tập 2, Khí tượng Thủy văn Động lực Biển – Phạm Văn Ninh chủ biên., 2003. NXB Đại học Quốc gia

(8) Wind energy resource atlas of Southeast Asia., 2001., TrueWind Solutions. Có thể download toàn bộ cuốn Atlas này tại địa chỉ: http://www.worldbank.org/astae/werasa/complete.pdf

(9) Bùi Hồng Long, Tống Phước Hoàng Sơn. Một số kết quả tính toán các đặc trưng thống kê khí tượng – thủy động lực khu vực biển bắc Bình Thuận. 2002., Tuyển tập Nghiên cứu Biển tập XII.

Posted by Dr. Dao Hong Thu

Posted in For the References, NEWS & EVENTS | Leave a Comment »

Phát triển năng lượng gió – kinh nghiệm của một số nước

Posted by corling on October 25, 2011

Vũ Thành Tự Anh, Đàm Quang Minh

Năng lượng gió: Mới và đầy sức sống

Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước, nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định được vị trí trên thị trường năng lượng thế giới khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng hiện có (Hình 1). Sự phát triển thần kỳ này của điện gió có được là nhờ vào một số thay đổi quan trọng trong thời gian qua.

Đầu tiên phải kể đến những tiến bộ về công nghệ có tính đột phá trong thời gian qua đã giúp giảm giá thành điện gió xuống nhiều lần, đồng thời tăng công suất, hiệu quả, và độ tin cậy của các trạm điện gió. Cụ thể là nếu như vào năm 1990, công suất trung bình của một trạm điện gió ở Đan Mạch và Đức chỉ vào khoảng 200 KW, thì đến năm 2002 đã lên tới 1,5 MW và hiện nay các nước này đang phát triển các tuốc bin lớn cỡ 5-10 MW nhằm phát triển các trạm điện gió trên thềm lục địa. Hiệu quả của các trạm điện gió này cũng được cải thiện từ 2 đến 3% mỗi năm, góp phần vào việc giảm 30% giá thành điện gió trong vòng 12 năm(2).

 

 

 

 

 

 

 

 

Một lý do quan trọng nữa giải thích sự phát triển đột biến của điện gió trong 10 năm trở lại đây là nguy cơ khủng hoảng năng lượng của các nước đã phát triển cũng như mối quan tâm ngày càng cao của các nước này về bảo vệ môi trường đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực tìm kiếm các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, trong đó điện gió hiển nhiên là một ứng cử viên sáng giá.

Trong các nước chủ trương phát triển năng lượng gió, Đức vẫn là nước dẫn đầu với công suất vào cuối năm 2004 lên tới 16.649 MW, chiếm hơn 30% tổng công suất điện gió của thế giới. Ngay sau Đức là Tây Ban Nha và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 16% tổng công suất điện gió thế giới. Một điều đáng lưu ý là không chỉ các nước đã phát triển mà cả một số nước đang phát triển (đặc biệt là những nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc) cũng quyết định đầu tư để phát triển điện gió. Trong phần dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm phát triển điện gió của ba nước Ấn Độ, Trung Quốc, và Philippines là ba nước có trình độ phát triển không quá cách biệt đối với Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài học của Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines

Ấn Độ

Ấn Độ là một trong hai nước đang phát triển nằm trong Top 10 nước dẫn đầu về công suất điện gió (nước kia là Trung Quốc). Năm 2004, công suất điện gió tăng thêm của Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, đứng trên cả Anh và Mỹ. Các nỗ lực này đã đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất (Hình vẽ)
Tính đến tháng 3/2005, công suất điện gió của Ấn Độ đạt mức 3.595 MW, và chỉ riêng trong năm 2004 Ấn Độ đã lắp đặt mới được 1.112 MW, đạt mức tăng trưởng 45%. Nếu lấy năm 2000 làm mốc, khi Ấn Độ mới chỉ có 1.220 MW điện gió, thì chỉ sau 5 năm, công suất điện gió của Ấn Độ đã tăng lên 3 lần.

Năm 1980 đánh dấu bước khởi đầu của chiến lược phát triển năng lượng gió của Ấn Độ khi Cơ quan Nguồn năng lượng (sau chuyển thành Bộ Năng lượng) của nước này được thành lập nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn năng lượng để phục vụ cho sự phát triển nhanh của nền kinh tế (tốc độ tăng trưởng bình quân của Ấn Độ trong 10 năm qua là khoảng 6-7 %/năm). Cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu, xác định, và triển khai các dự án năng lượng gió và sau đó đưa vào kinh doanh. Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho dự án. Các công ty công nghiệp và thương mại, đặc biệt là các công ty tư nhân, đã tận dụng những ưu đãi này của nhà nước để tiến hành đầu tư một cách mạnh mẽ. Kết quả là các công ty này (trong đó 97% là các công ty tư nhân) đã tự sản xuất được các bộ phát điện, và hơn thế, một số nhà sản xuất đã có thể bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình.

Bài học của Ấn Độ cho thấy một khi có chính sách khuyến khích đúng đắn, kết hợp với những nghiên cứu kỹ thuật công phu và định hướng chính sách phát triển rõ ràng của nhà nước thì các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân năng động, sẽ mạnh dạn đầu tư và phát triển thị trường điện gió một cách tương đối hiệu quả mà không cần sự can thiệp và đầu tư lớn của nhà nước. Nếu như các nguồn năng lượng thủy điện và hạt nhân đòi hỏi mức độ đầu tư ban đầu rất lớn và tiềm tàng mức độ ảnh hưởng ngoại tác (externality) cao, và vì vậy thường đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước, thì các trạm điện gió có quy mô vừa phải hoàn toàn nằm trong tầm với của các nhà đầu tư tư nhân. Tất nhiên, nhà nước cần tạo cơ sở và hành lang pháp lý cũng như có những biện pháp kiểm tra, giám sát cần thiết để đảm bảo những đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.

Trung Quốc

Với một bờ biển dài, Trung Quốc là một quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng gió. Dự án điện gió thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 1986. Trong 20 năm qua, tận dụng các khoản viện trợ nước ngoài và các khoản vay lãi suất thấp, Trung Quốc đã phát triển thêm nhiều khu điện gió, hòa mạng vào lưới điện quốc gia. Năm 1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Điện của Trung Quốc đã ra quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng gió, một quyết định hết sức khó khăn. Lý do là vì vào thời điểm đó, năng lượng gió trên thế giới vẫn chưa phát triển, đồng thời nhiệt điện than khá rẻ và vẫn còn tương đối dồi dào. Hiểu được điểm yếu này

 
Xây dựng các trạm điện gió tại khu tự trị Nội Mông (nguồn: http://www.chinapage.org)

của điện gió so với các nguồn năng lượng truyền thống khác, Bộ Năng lượng của Trung Quốc đã định hướng phát triển điện gió thông qua việc giảm giá thành bằng cách phát triển những dự án quy mô lớn, đồng thời địa phương hóa các nhà máy sản xuất tuốc-bin gió. Chính quá trình địa phương hóa các nhà máy sản xuất tuốc-bin đã góp phần quyết định vào việc giảm giá thành, đồng thời giúp phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa nhờ đảm bảo cung ứng điện ổn định, tăng nguồn thu thuế, và tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương.

Với tiền đề chính sách đúng đắn đó, thị trường điện gió ở Trung Quốc được hình thành, và đến cuối năm 2004 Trung Quốc đã có 43 khu điện gió với tổng công suất là 850 MW. Trong năm 2005, có thêm 450 MW được đưa vào vận hành. Hướng tới tương lai xa hơn, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió của nước này sẽ tăng lên tới 20.000 MW gấp 20 lần công suất hiện tại.

Philippines

 
Trạm điện gió tại Philippines

Trong thập kỷ tới, Philippines có triển vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng gió trong khu vực Đông Nam Á. Một sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và thành phần kinh tế tư nhân được xác lập với mục tiêu đạt công suất tối thiểu là 417 MW điện gió trong vòng 10 năm tới. Dựa vào những nghiên cứu của phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo, Philippines quy hoạch một khu vực được đánh giá là rất tốt để phát triển năng lượng gió với diện tích lên tới 10.000 km2 cho dự án phát triển điện gió. Theo tính toán, tiềm năng về công suất gió của khu vực này lên tới hơn 70.000 MW, có thể cung cấp khoảng 195 tỷ kWh mỗi năm. Các nghiên cứu triển khai cho dự án này hiện vẫn đang được tiếp tục và bước đầu đưa vào thực tế. 

Một viễn cảnh tươi sáng của điện gió

Tổ chức Năng lượng gió Châu Âu đang tiến hành một chiến lược phát triển rầm rộ nhất cho năng lượng gió với mục tiêu đưa năng lượng gió vào nhóm những nguồn năng lượng quan trọng nhất. Theo kế hoạch của tổ chức này, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện gió sẽ đạt 94,8 GW, chiếm 12,1% tổng sản lượng điện năng của thế giới. Theo kế hoạch này đến năm 2020, tổng công suất của Châu Âu sẽ là 180 GW trong đó có 70 GW được xây dựng ngoài thềm lục địa gấp 72 lần công suất năm 1995, đủ cung cấp cho 195 triệu dân. Các kế hoạch phát triển các trạm điện gió ngoài thềm lục địa cũng đang được tiến hành để lợi dụng gió biển và ước tính sẽ chiếm trên 40% sản lượng điện gió tương lai của Châu Âu(3). Cũng theo dự đoán này thì năng lượng gió sẽ tăng dần và vượt qua nhiều nguồn năng lượng truyền thống nhưng tiềm ẩn rủi ro cao như điện hạt nhân và thủy điện lớn, và vào năm 2030 năng lượng gió sẽ trở thành nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, chỉ đứng sau nhiệt điện(4).

Hội đồng Năng lượng Gió Thế giới cũng đưa ra những dự báo hết sức khả quan cho triển vọng phát triển năng lượng điện gió. Theo Hội đồng này, đến năm 2020 sản lượng điện gió sẽ chiếm tới 12% trong tổng sản lượng điện năng của thế giới. Để đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD mỗi năm vào điện gió, đồng thời tạo ra 2,3 triệu việc làm và giảm được một lượng đáng kể khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Một thị trường về năng lượng gió sẽ phát triển mạnh mẽ đưa giá thành lắp đặt cũng như vận hành điện gió xuống mức rẻ nhất, với chi phí lắp đặt khoảng 600 USD trên một đơn vị kW công suất và giá điện thương phẩm sẽ dưới 3 USD/kWh.

Các nghiên cứu về năng lượng gió cũng như những thảo luận hiện nay đã tạo nên một không khí sôi nổi tại các hội nghị khoa học và trong dư luận xã hội. Năng lượng gió ngày càng được quan tâm hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững về mặt năng lượng, đồng thời bảo đảm an ninh và sự tự chủ về năng lượng cho các quốc gia. Hơn nữa, điện gió còn tạo nên được một thị trường mới với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giúp tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội. Các dự báo về tốc độ phát triển của năng lượng gió thường xuyên phải điều chính để phản ánh chính xác hơn tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp điện gió. Chúng ta chắc chắn sẽ thấy được đóng góp tích cực của ngành công nghiệp điện gió một cách toàn diện vào đời sống kinh tế – chính trị thế giới trong một tương lai không xa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(1) TS. Vũ Thành Tự Anh – Quỹ phát triển giáo dục Fullbright, Đàm Quang Minh – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

(2)http://www.ewea.org/fileadmin/ewea_documents/

documents/publications/WETF/Facts_Volume_2.pdf

(3) Wind power targets for Europe: 75,000 MW by 2010. European Wind Energy Association – 10.2003

(4) Wind Energy – The Facts, Vol.5 Market development. www.ewea.org

Posted by Dr. Dao Hong Thu

Posted in For the References, NEWS & EVENTS | Leave a Comment »

26. Lễ hội đền Trần

Posted by corling on February 23, 2011

Lễ hội đền Trần được tổ chức hàng năm, mở đầu bằng Lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (23h) ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Lễ khai ấn được coi là “linh hồn” của lễ hội. Người dân địa phương và du khách đến Lễ hội để xin hoặc mua ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp và gặp nhiều may mắn.

Đền Trần nằm trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là nơi thiừ các vua nhà Trần cùng các quan lại. Đền Trần bao gồm 03 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn.

Ở cả 03 đền trong đền Trần thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

25. Lễ hội Đền Kinh Dương Vương

Posted by corling on February 20, 2011

Lễ hội Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ thường được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đền Kinh Dương Vương là nơi thờ Thủy tổ nước Nam – Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có công sinh thành tổ tiên của người Việt.

Theo ”Truyền thuyết Hùng Vương”, Kinh Dương Vương lập nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước CN) đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của vua hồ Động Đình là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân, người đã lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con. Người con trưởng được cha phong là Vua Hùng (Hùng Vương), với tổng cộng 18 đời Vua Hùng tiếp nối, kéo dài hơn 2000 năm.

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ được xây dựng từ lâu đời, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề: “Nam bang thuỷ tổ”.

Lễ hội Đền Kinh Dương Vương là dịp để nhân dân trong vùng và du khách khắp nơi cùng hướng về cội nguồn, tự hào tưởng nhớ và tri ân công đức của Tổ tiên. Ngoài Lễ dâng hương tại Đền, Lễ rước kiệu Thủy tổ nước Nam, Hội có Lễ phục ruộc (có nghĩa là rước nước), Lễ tế nữ quan.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

24. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Posted by corling on February 17, 2011

Lễ hội Tịch điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là hình thức lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa, đưa con người hướng về cội nguồn. Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày mồng 5 đến mồng 7 Tết Âm lịch, được tổ chức liên hoàn giữa các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao …

Nhằm tưởng nhớ đến nghi lễ hàng ngàn năm trước đây, khi Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã làm Lễ tế Thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng, những năm gần đây Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức long trọng với nhiều nghi thức trang nghiêm như Lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành; Lễ rước kiệu; Lễ rước trống; Lễ tịch điền; Lễ tạ….

Theo dân gian, đây là một nghi lễ mở đầu cho một vụ mùa mới, là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân Hà Nam nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, được xem như một di sản văn hóa quý báu cần gìn giữ và phát huy, nhằm khuyến khích động viên người dân chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất nông nghiệp.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

23. Lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Posted by corling on February 15, 2011

Lễ hội được tổ chức từ ngày 27 đến 29 tháng 11 Âm lịch hàng năm với các nghi lễ văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, nhằm vinh danh, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và công lao của Danh nhân Văn hóa Việt Nam – Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng tại thôn Trung An, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, bao gồm 09 điểm tham quan: Tháp bút Kinh Thiên, đền thờ Trạng Trình, nhà trưng bày, phần mộ Thân sinh Trạng Trình, Am Bạch Vân, tượng Trạng Trình, Hồ bán nguyệt, chùa Song Mai và Nhà Tổ có tượng thờ Bà Minh Nguyệt, Bia, Quán Trung Tân, tọa lạc trên khu đất rộng 4ha từ ngôi đền ra đến bờ sông Hàn.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

22. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Posted by corling on February 14, 2011

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam bắt đầu chính lễ vào đêm 23 rạng sáng 24 và kéo dài đến ngày 27 tháng 4 Âm lịch hàng năm tại Lăng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang với nhiều nghi thức như Lễ tắm Bà, Lễ Thỉnh sắc, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu, Lễ Chánh tế …

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức nhằm tôn vinh Thoại Ngọc Hầu và các dân binh đã có công khai hoang, mở đất; kể lại truyền thuyết về Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng như phản ánh sinh hoạt của người dân vùng sông nước…

Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam, là một trong những danh thắng của núi Sam và là điểm đến của du khách bốn phương, cũng là nơi để mọi người tìm đến cầu xin những điều thiêng liêng và tốt đẹp nhất cho cuộc sống.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

21. Lễ hội Yên Tử

Posted by corling on February 12, 2011

Trăm năm tích đức, tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu

Lễ hội Yên Tử thường được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch trên ngọn núi Yên Tử (cao 1068m so với mặt nước biển), là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Đông Triều, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên núi Yên Tử ngày nay có 11 ngôi chùa và hàng trăm am tháp lưu giữ nhiều kỷ vật lịch sử. Nơi đây được mệnh danh là Đất tổ Phật giáo Việt Nam.

Sau phần nghi lễ trang nghiêm và long trọng của Lễ hội được tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương lên chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Hội chùa Yên Tử là nơi du khách tìm đến để được tách mình khỏi thế giới trần tục và để thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.  

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »

20. Lễ rước Phật sinh

Posted by corling on February 11, 2011

Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Đản sinh tại vườn Lâm-ti-Ni năm 624 trước CN. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm Phật Đản sinh. Theo Phật giáo Nam Truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn). Để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, nhân sinh của Đức Phật, Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch hàng năm. Đây là Lễ hội được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và nhiều hoạt động từ thiện khác.

Hà Nội, ngày 11/02/2011

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | 1 Comment »

19. Lễ hội Đua Voi – Buôn Đôn

Posted by corling on February 9, 2011

Lễ hội Đua voi thường được tổ chức hàng năm vào tháng 3 tại Buôn Đôn, Đaklak.

Hội Đua voi là một trong những hoạt động lớn nhằm đưa văn hóa làng về cơ sở, đưa văn hóa làng buôn về với làng buôn. Hội voi thể hiện sức mạnh hào khí Tây Nguyên và sự gần gũi, gắn bó như người bạn. Hội voi cũng là dịp để các chàng trai Êđê khoe tài với những cô gái M’nông, thể hiện trình độ thuần dưỡng voi rừng.

Sáng sớm, tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, 25 chú voi đại diện cho trên 200 voi nhà của tỉnh Đắc Lắc đã về tham dự lễ hội voi. Hàng nghìn người trong đó có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã hào hứng xem các chú voi đua tài qua 5 môn thi: Thi chạy, kéo vật nặng, đá bóng, ném xa, bơi vượt sông Serêpok và các màn trình diễn. Nhưng đối với những người quản tượng và kể cả khách du lịch thì voi nào thắng trong các cuộc đua không quan trọng mà hơn thế nữa, mọi người được đắm say trong không khí lễ hội đặc sắc của Buôn Đôn, của Tây Nguyên.

Hà Nội, ngày 09/02/2011

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | 1 Comment »

18. Lễ hội Phủ Dầy

Posted by corling on February 6, 2011

Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm, trong 10 ngày, từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 Âm lịch. Đây là Lễ hội nhằm tôn vinh Thái Mẫu Liễu Hạnh, vị Thần chủ của tín ngưỡng dân gian, một vị Thánh trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

CL (sưu tầm)

Posted in Festivals (Vietnamese) | Leave a Comment »