VIETNAM CORPUS LINGUISTICS (VCL)

NGÔN NGỮ HỌC KHỐI LIỆU

QUAN HỆ NGỮ PHÁP TRONG VĂN BẢN

Posted by corling on January 21, 2010

I. VỀ KHÁI NIỆM QUAN HỆ NGỮ PHÁP TRONG VĂN BẢN

1. Có người sẽ nói ngay: Làm gì có cái gọi là quan hệ ngữ pháp (QHNP) trong văn bản. Điều này là dễ hiểu bởi vì nhiều công trình nghiên cứu ngữ pháp nghiêm túc đã khẳng định không có cái gọi là QHNP bên ngoài phạm vi câu.

Theo Bloomfield, câu là một hình thức ngôn ngữ độc lập, không bị bao gồm vì bất cứ một kết cấu ngữ pháp nào trong một hình thức ngôn ngữ lớn hơn. (…) Câu là đơn vị lớn nhất của miêu tả ngữ pháp [5, tr. 278]. Theo giáo sư Cao Xuân Hạo, câu, Về phương diện cấu trúc, (…) là cái phạm vi lớn nhất của những mối quan hệ ngữ pháp chính danh. Tất cả quan hệ ngữ pháp có thể có được đều chỉ có trong phạm vi câu. Trong những ngôn từ hay văn bản gồm hai câu trở lên, giữa câu này với câu kia có thể có nhiều mối quan hệ về đề tài, về ý tứ, nhưng không thể có những mối quan hệ ngữ pháp [4, tr. 12]. Cố giáo sư Hoàng Tuệ cũng đã viết: Giá trị đơn vị văn bản được xác định chủ yếu theo nội dung. Quan hệ giữa những đơn vị này có thể có dấu hiệu (hiển ngôn) về ngữ pháp ( … ), song đó vẫn là chủ yếu quan hệ ngữ nghĩa (Cho nên, chớ bị lầm lẫn bởi các thuật ngữ Ph: Grammaire textuelle; A: Textual grammar; Ng: Grammatika teskta… đã được dịch thành ngữ pháp văn bản. ( … ) [13, tr. 5]. Nhiều nhà ngôn ngữ học khi giới thiệu khái niệm quan hệ ngữ pháp cũng quan niệm đó là quan hệ hình tuyến giữa các từ tạo ra những tổ hợp từ… [3, tr.253] hoặc là quan hệ giữa các thành tố của cụm từ và quan hệ giữa các thành phần câu… [12, tr. 199]. Chúng còn được gọi là quan hệ cú pháp hay quan hệ cú pháp học và được quan niệm gồm ba kiểu: quan hệ chủ – vị, quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ.

Trong các trích đoạn trên, từ ‘ngữ pháp’ được hiểu là toàn bộ các quy tắc biến đổi và kết hợp từ để tạo ra câu nói và ngữ pháp học có nhiệm vụ nghiên cứu chức năng của các từ trong cấu trúc của câu. Như vậy, quả là không thể nói tới cái gọi là QHNP trong văn bản. 

2. Tuy nhiên, nhiều nhà ngôn ngữ học đã có những quan niệm khác. Theo M. A. Halliday, đơn vị cơ bản của ngôn ngữ trong sự vận hành của nó không phải là từ hay câu mà chính là văn bản [9, tr. 41]. Theo W. Dressler, Trong thời đại của chúng ta, dư luận rộng rãi thừa nhận rằng đơn vị độc lập hơn cả và cao nhất của ngôn ngữ không phải là câu mà là văn bản. Từ đó xuất hiện sự cần thiết phải nghiên cứu cú pháp văn bản, tức là cú pháp của các đơn vị trên câu [8, tr. 16]. P. Hartmann cũng quan niệm: Chỉ có dưới hình thức văn bản, ngôn ngữ mới là phương tiện giao tiếp của mọi người [8, tr. 16]. Moskalskaja trong giáo trình của mình nói cụ thể hơn: Một số phạm trù trước đây được coi là những phạm trù ngữ pháp của từ hoặc câu, bây giờ, dưới ánh sáng mới, chúng sẽ hiện lên như những phạm trù văn bản [8, tr. 7].

Ở Việt Nam, Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán quan niệm quan hệ ngữ pháp trong từ được gọi là quan hệ từ pháp… Quan hệ ngữ pháp giữa các từ hoặc giữa các cụm từ trong câu được gọi là quan hệ cú pháp [2, tr. 90]. Đi xa hơn, các tác giả đã đề cập tới một loạt vấn đề ngữ pháp của cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu, trong đó có vấn đề đơn vị trên câu. Đơn vị này được gọi bằng nhiều tên khác nhau nhưng nó là một đơn vị ngữ pháp [2, tr. 106] có đặc điểm là giống như một phát ngôn được mở rộng, hoặc có thể … cải biến thành một câu phức [2, tr. 108]. Hệ quả của quan niệm này là QHNP có thể thuộc ba cấp độ: cấp độ từ, cấp độ câu và cấp độ văn bản.

3. Vậy thì, liệu có QHNP trong văn bản hay không? Theo chúng tôi, xuất phát từ thực tế tạo lập văn bản, trên cơ sở điều chỉnh cách hiểu về khái niệm ngôn ngữ và khái niệm ngữ pháp, hoàn toàn có thể nói tới QHNP trong văn bản.

3.1 Trước hết, xét trong thực tế hành văn, theo ngữ pháp học truyền thống, khả năng tách vế của câu ghép ra thành nhiều câu riêng là có thật. Giáo sư Diệp Quang Ban đã trình bày rõ hiện tượng này với nhiều dẫn chứng phong phú [1, tr. 215 đến 220]. Vậy thì các QHNP giữa các vế của câu ghép đã biến đi đâu khi các vế câu được tách thành câu riêng?

So sánh:

(1) Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu rỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. (Tô Hoài) [7, tr.186]

(1′) Chó sủa xa xa, chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu rỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi.

Cụm câu (1) là của nhà văn. Cụm câu (1′) là cụm câu đã được cải biến (các vị trí cải biến được in đậm và gạch chân). Chẳng lẽ cái dấu chấm giữa hai câu đầu của cụm câu (1) khiến hai câu không thể có QHNP nào và chúng bỗng trở nên có QHNP đẳng lập khi ở vị trí dấu chấm ấy là một dấu phẩy? Chẳng lẽ hai ngữ đoạn Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi, có QHNP đẳng lập khi giữa chúng là một dấu phẩy và chúng sẽ chẳng còn QHNP nào nữa nếu chúng được ngăn cách bởi một dấu chấm? Có thể đặt câu hỏi tương tự với rất nhiều trường hợp.

Ở đây có vấn đề dấu câu. Dấu câu là kí tự đánh dấu một quãng ngắt hơi của lời nói khi nó được chuyển thành câu chữ. Dù có nhiều chức năng nhưng chức năng chính của dấu câu vẫn là đánh dấu QHNP giữa các thành tố của câu, của lời viết. Nó rất hữu dụng trong việc giúp người đọc nhận ra các mối QHNP trong câu, lời do đó tiếp nhận đúng thông báo của chúng. Tuy vậy, việc quên hoặc đánh sai một dấu câu của người tạo văn bản vẫn không làm mất đi các QHNP vốn có trong câu; các QHNP vẫn còn đó cùng với lỗi dùng dấu câu của người viết. Trong trường hợp các chữ viết không có hệ thống dấu câu (chữ nôm của ta hay chữ Thái Lan chẳng hạn), các QHNP giữa các thành tố cũng vẫn hiện hữu. Nếu không, người đọc sẽ không sao tiếp nhận nổi các thông tin chứa đựng trong các văn bản.

3.2  Về mặt lí thuyết, giáo sư Hoàng Tuệ dù đã phủ nhận ngữ pháp văn bản như đã trình bày ở trên, nhưng lại viết thêm một câu: “Ngữ pháp” ở đây, nếu dùng, cũng cần được hiểu rộng [13, tr. 5]. Vậy cần được hiểu rộng như thế nào?

Ngữ pháp là bộ phận của ngôn ngữ; do vậy, việc hiểu rộng từ ngữ pháp liên quan đến việc hiểu rộng từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một từ Hán Việt. Cả ngôn và ngữ vốn đều có nghĩa là lời nói do con người thực hiện, ta nghe được. Về sau, chữ ngữ chuyển nghĩa, được dùng biểu thị cái mà Saussure gọi là langue (Việt ngữ, Hán ngữ, ngữ học…). NGÔN kết hợp với NGỮ mới thành NGÔN NGỮ. Như thế, ngôn ngữ phải được hiểu là một thực thể gồm hai hệ thống: một là: Hệ thống nguyên liệu, tĩnh trạng gồm vốn từ và các quy tắc sử dụng các từ trong vốn từ ấy mà Saussure đã gọi là langue (thường được dịch là ngôn ngữ). Hai là: Hệ thống hành chức của hệ thống nguyên liệu kia dưới dạng các ngôn phẩm với số lượng có thể nói là vô hạn mà Saussure gọi là parole (thường được dịch là lời nói) và nhiều sách ngôn ngữ học hiện nay đã gọi là discours (được dịch là diễn ngôn). Theo cách nói của quần chúng, Hồ Chủ tịch (HCT) thường dùng các từ TIẾNG NÓI và CÁCH NÓI, CÁCH VIẾT. Từ cách hiểu như trên, có thể nói cụm từ TIẾNG NÓI, theo cách dùng của HCT, gồm NGỮ – phần nguyên liệu tĩnh trạng – và NGÔN dưới dạng các ngôn phẩm; còn CÁCH NÓI, CÁCH VIẾT tồn tại trong các ngôn phẩm, là hệ thống quy tắc được trừu tượng hóa từ các ngôn phẩm ấy. Nói cách khác, ngôn bản, văn bản (các dạng của ngôn phẩm) thuộc phần NGÔN cũng đồng thời chứa đựng những quy ước được xã hội chấp nhận – trong đó ngoài những quy ước trong việc dùng từ, tạo từ, tạo câu còn có các quy ước trong việc kết hợp các câu, các đơn vị trên câu để tạo nên ngôn phẩm. Những quy ước này được xác lập trong lịch sử tạo lập ngôn phẩm dài lâu và đã định hình; chúng phải được coi là thuộc phần NGỮ – phần nguyên liệu tĩnh trạng xét về mặt đồng đại.

Cách hiểu như trên đụng chạm trực tiếp tới cách hiểu lâu nay (dựa trên quan niệm của Sausure) nên không thể không nói lại vài điều về chuyện này. Trước hết, nhờ khả năng trừu tượng hóa rất cao, Saussure đã phân biệt và tạm thời cô lập ngôn ngữ và lời nói rồi sau đó lại nêu lên mối quan hệ giả định lẫn nhau, chi phối lẫn nhau giữa chúng, đến mức không thể quan niệm mặt này mà thiếu mặt kia được. Lí giải chính xác ấy ảnh hưởng rất to lớn trong ngôn ngữ học thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những hạt nhân hợp lí, tư tưởng của Saussure còn chứa đựng những điều cần xem lại. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương viết: Nhưng ngôn ngữ (…) là gì? Đối với chúng tôi (…..). Nó vừa là một sản phẩm xã hội của năng lực ngôn ngữ, vừa là một hợp thể gồm những quy ước tất yếu được tập thể xã hội chấp nhận, để cho phép các cá nhân vận dụng năng lực này [10, tr. 30]. Đó là một kho tàng được thực tiễn nói năng của những người thuộc cùng một cộng đồng ngôn ngữ lưu lại, một hệ thống ngữ pháp tồn tại dưới dạng thức tiềm năng trong mỗi bộ óc của một tập thể [10, tr. 37]. Giáo trình cũng đặt trước chúng ta một câu hỏi để cùng tiếp tục suy nghĩ: Cần phải hình dung cái sản phẩm xã hội này như thế nào để cho ngôn ngữ hiện ra một cách thật tách bạch so với những cái khác? Giá ta có thể bao quát được cái tổng số những hình tượng hoạt động ngôn ngữ tích lũy lại ở tất cả các cá nhân, ta sẽ thấu được đến mối liên hệ xã hội gọi là ngôn ngữ [10, tr. 36, 37]. Câu hỏi trên cho phép ta nghĩ rằng Saussure không giải đáp tất cả, ông chỉ thử cố gắng giải đáp mà thôi; nó cũng cho phép ta hiểu là luận điểm cho rằng ngữ pháp chỉ gồm hai bộ phận từ pháp và cú pháp không hẳn là tuyệt đối đúng. Từ điển Encyclopeadia Universalis gần đây viết một cách chừng mực: Nếu ngữ pháp học đúng là môn học nghiên cứu cấu trúc và sự vận hành của các phát ngôn (énoncés) thuộc một ngôn ngữ, đúng là bản liệt kê có hệ thống các kiểu loại đơn vị làm nên các phát ngôn ấy thì ngữ pháp học, dù cho kết quả của nó còn gây tranh cãi đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là một bản sơ thảo của một thái độ khoa học trước hoạt động ngôn ngữ. [15, tr. 827]

Như thế, có thể cho rằng NHỮNG QUY ƯỚC ĐƯỢC TẬP THỂ XÃ HỘI CHẤP NHẬN (chữ dùng của Sausure) ngoài các quy tắc biến hình từ, cấu tạo từ, kết hợp các từ, ngữ để tạo câu còn là các quy tắc kết hợp các câu, các đơn vị trên câu để tạo nên ngôn phẩm. Các quy tắc này tồn tại trong các ngôn phẩm, phải trừu tượng hóa mới thấy được. Chúng là những quy tắc được tuân thủ trong hầu hết các văn bản cùng thể loại, đã được mọi người chấp nhận hoặc cho là phải và đang được tiếp tục chỉ ra. Không thể gạt chúng ra ngoài phần NGỮ được. Thực tế chứng tỏ rằng việc hiểu khác nhau về từ ngôn ngữ đã dẫn đến những quan niệm ngược hẳn nhau: đơn vị từ, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ lớn nhất, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất; còn đơn vị câu, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ, khi thì được coi là kết cấu lớn nhất của các đơn vị ngôn ngữ và là đơn vị nhỏ nhất của lời nói (Xem các mục từ TỪ, CÂU trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb GD, 1997).

Ta cũng đã biết ngôn ngữ và tư duy có mối quan hệ biện chứng. Theo Saussure, ngôn ngữ và tư duy xuất hiện cùng một lúc và là một thể thống nhất, (…) nếu trừu tượng hóa sự thể hiện ra bằng từ ngữ, tư duy của chúng ta chỉ là một khối vô hình thù và không tách bạch (…). Xét bản thân nó, tư duy cũng tựa hồ như một đám tinh vân, trong đó không có gì được phân giới một cách tất nhiên. Không làm gì có những ý niệm được xác lập từ trước (…) trước khi ngôn ngữ xuất hiện [10, tr. 195, 196]. Trong quan niệm trên, từ ngôn ngữ được dùng với nghĩa chỉ phần NGỮ của hoạt động ngôn ngữ. Nhưng nếu từ ngôn ngữ đã được bổ sung nét nghĩa để bao gồm cả phần NGÔN và phần NGỮ như đã trình bày ở trên, phải chăng mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy cũng cần được xác định lại? Ta đã biết: Hình thức của tư duy là khái niệm, phán đoán và suy lí. Khái niệm được biểu thị trong từ, ngữ; phán đoán được biểu thị trong câu; suy lí thường được biểu thị trong nhiều câu. Phải chăng trong cái gọi là nhiều câu nói trên, chỉ bao hàm thuần túy mặt ngữ nghĩa, mặt lôgic ý tưởng? Dựa vào mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ (với nội hàm mới gồm NGÔN+NGỮ) và tư duy, không thể nói như vậy. Có thể thấy: trong cái khối nhiều câu ấy, để biểu thị các quy luật của tư duy, ngoài những quy tắc kết hợp từ, ngữ để đặt câu, chắc chắn đã có những quy ước chung về việc kết hợp các câu xét riêng về mặt cái biểu đạt được tập thể xã hội chấp nhận. Đó chính là những quy ước xã hội của TIẾNG NÓI, thuộc ngôn ngữ học, chúng phản ánh các quy luật của tư duy (như các quy luật của logic hình thức: đồng nhất, cấm mâu thuẫn, triệt tam, lí do đầy đủ, hướng đích… và của logic biện chứng: khách quan, toàn diện, lịch sử, phân đôi cái thống nhất…) vào tiếng nói của một dân tộc. Những quy ước chung ấy cần được coi là thuộc ngữ pháp – một bộ phận của tiếng nói dân tộc. Như thế, từ NGỮ PHÁP cần phải được “hiểu rộng” như gợi ý của cố giáo sư Hoàng Tuệ. Theo chúng tôi, ngữ pháp là toàn bộ các phép tắc tổ chức, cấu tạo và kết hợp các đơn vị ngôn ngữ (gồm các đơn vị cú pháp và các đơn vị văn pháp) để tạo nên ngôn phẩm. Đó là bộ phận của ngôn ngữ, là hệ thống có hạn các quy tắc về cấu tạo từ, biến hình từ; về kết hợp từ để tạo nên ngữ, cú, câu; về kết hợp các câu, các đơn vị lớn hơn câu để tạo nên ngôn phẩm – đơn vị giao tiếp cơ bản của một ngôn ngữ. Ngữ pháp chính là hệ thống quy tắc cho phép các đơn vị ngôn ngữ thực hiện chức năng giao tiếp xã hội của chúng.

Mọi khái niệm luôn được hoàn thiện dần và ngày càng chân thực. Thuật ngữ ngữ pháp (grammaire) được Aristote (384-322 trước công nguyên) dùng lần đầu với nghĩa là tất cả các phép tắc liên quan đến lời nói, tiếng nói. Về sau, nghĩa của thuật ngữ ngữ pháp được hiểu hẹp lại như đã trình bày. Nay, bên cạnh các nội dung cũ, thuật ngữ ngữ pháp có thể được hiểu rộng ra gồm cả các phép tắc liên kết các câu, các đơn vị lớn hơn câu để tạo nên các ngôn phẩm thì thiết tưởng cũng không phải là điều cấm kị. Như thế, ngữ pháp học văn bản có thể được coi như một bộ phận mới của ngữ pháp học. Nó có đối tượng nghiên cứu là các phạm trù ngữ pháp chung của văn bản, các đơn vị, các kết cấu ngữ pháp văn bản và các biểu hiện có tính quy luật của việc cấu tạo các đơn vị và kết cấu ngữ pháp văn bản (ĐV và KCVB) ấy. Nhiệm vụ nghiên cứu trước mắt của ngữ pháp học văn bản là: các ĐV và KCVB, những mối liên hệ giữa chúng cũng như các phương tiện liên kết hình thức của các mối liên hệ ấy.

Một khi nghĩa của từ ngữ pháp đã được hiểu rộng thì nghĩa của tổ hợp từ QHNP cũng sẽ thay đổi. Theo ngữ pháp học truyền thống, QHNP là quan hệ giữa các từ, cụm từ (hay ngữ, tiểu cú) trong quá trình kết hợp với nhau để tạo nên câu. Đó là quan hệ giữa các nghĩa ngữ pháp của các đơn vị trong lòng kết cấu ngữ pháp do các đơn vị ấy tạo nên. Ở đây, nghĩa ngữ pháp được hiểu là nghĩa chung, trừu tượng, được khái quát từ hàng loạt từ, ngữ, từ hàng loạt kiểu quan hệ giữa các từ, ngữ trong tổ chức câu. Nghĩa ngữ pháp thường được chia thành hai loại: nghĩa ngữ pháp tự thân là nghĩa nằm trong từ và nghĩa ngữ pháp quan hệ là nghĩa nằm ngoài từ, được thể hiện ra trong sự kết hợp của từ, ngữ với các từ, ngữ xung quanh. Loại trên là thuộc tính bản chất, loại dưới thuộc về chức năng. Trong văn bản, cũng có thể nêu lên: ý nghĩa ngữ pháp tự thân và ý nghĩa ngữ pháp quan hệ. Ý nghĩa ngữ pháp tự thân trong văn bản như các ý nghĩa tự nghĩa/không tự nghĩa của câu, cụm câu, đoạn văn. Chúng là ý nghĩa trừu tượng, được khái quát hóa từ bản thân hàng loạt ĐV và KCVB. Ý nghĩa ngữ pháp quan hệ trong văn bản cũng là ý nghĩa trừu tượng, được khái quát từ hàng loạt kiểu quan hệ thông báo giữa các thành tố với KCVB bậc trên liền kề do chúng tạo nên. Các ĐV và KCVB gồm: câu (hay phát ngôn), cụm câu (hay liên / lời / tiểu khúc), đoạn văn (hay tiểu đoạn), mục, tiết, chương, phần (1). Như vậy, QHNP (hiểu rộng) là quan hệ giữa các ý nghĩa ngữ pháp của các đơn vị ngữ pháp [hình vị – từ – cụm từ (hay ngữ, tiểu cú) – câu – cụm câu (hay liên / lời / tiểu khúc) – đoạn văn – mục – tiết – chương – phần] trong lòng kết cấu ngữ pháp do các đơn vị ấy tạo nên. QHNP thường được quan niệm gồm QHNP trong phạm vi từ (quan hệ từ pháp) và trong phạm vi câu (quan hệ cú pháp) nay được hiểu rộng ra cả trong phạm vi văn bản (quan hệ văn pháp hay quan hệ ngữ pháp văn bản).

Điều cần nhấn mạnh là: nếu trong phạm vi câu, các đơn vị cú pháp là các đơn vị hai mặt (ngữ nghĩa – ngữ pháp) thì trong phạm vi văn bản, các đơn vị văn pháp là đơn vị ba mặt: ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ ý (hay ngữ pháp – ngữ nghĩa – thông báo như cách gọi của Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung); nếu trong phạm vi câu, nghĩa ngữ pháp là nghĩa được khái quát từ các từ, ngữ và không tách rời với nghĩa từ vựng của từ, ngữ và nghĩa mệnh đề của câu thì trong phạm vi văn bản, ý nghĩa ngữ pháp văn bản một mặt được khái quát từ hàng loạt ĐV và KCVB, một mặt cũng không tách rời với các ý nghĩa thông báo của ĐV và KCVB.

4. Trong tiếng Việt, thuộc cấp độ từ, các đơn vị cấu tạo từ trong từ ghép có thể có một trong hai mối QHNP: quan hệ đẳng lập như trong các từ xây dựng, thành thị, đền đài, ăn nói, gàn dở, tranh ảnh… quan hệ chính phụ như trong các từ máy may, bút chì, ngăn kéo, đầu nằm, ghế bố, tù treo...; thuộc cấp độ câu, các đơn vị cấu tạo câu có thể thuộc một trong ba mối QHNP: quan hệ đẳng lập (hay song song), quan hệ chính phụ (hay phụ thuộc), quan hệ chủ-vị (hay vị ngữ tính). Vấn đề là: thuộc phạm vi văn bản, giữa các câu có thể có các mối quan hệ ngữ pháp nào?

Có thể thấy:

a.  QHNP giữa các câu trong cụm câu có sự gần gũi với quan hệ cú pháp giữa các thành tố cú pháp trong phạm vi câu.

b.  Trong phạm vi văn bản, giữa các câu có thể có một trong hai mối QHNP: quan hệ đẳng lập và quan hệ chính phụ.

c.  QHNP giữa các câu trong cụm câu có tính phong phú và đủ dùng để xem xét mối QHNP giữa các KCVB trong văn bản.

II. PHÂN LOẠI

Xét cấu trúc nội bộ của các kết cấu văn bản như cụm câu, đoạn văn, mục, tiết chương, phần chính là xét các mối quan hệ giữa các đơn vị cùng cấp độ trong quá trình kết hợp với nhau để tạo nên kết cấu văn bản bậc trên. Hai mối quan hệ cơ bản giữa các đơn vị văn bản cùng cấp độ trong kết cấu văn bản là quan hệ ngữ pháp và quan hệ thông báo. Quan hệ ngữ pháp và thông báo giữa các câu trong cụm câu có tính phong phú và đủ dùng để xem xét mối quan hệ ngữ pháp và thông báo giữa các kết cấu văn bản bậc trên trong văn bản như đoạn văn, mục, tiết, chương, phần. Do vậy, trước hết phải xét quan hệ ngữ pháp và thông báo giữa các câu trong cụm câu.

1. Quan hỆ ngỮ pháp ĐẲNG LẬP GIỮA các câu trong cỤm câu   

Trong mỗi câu thường có đối tượng chủ đề là sự vật được đề cập trong câu và đặc trưng chủ đề là nội dung nói về đối tượng chủ đề ấy. Thông thường, trong câu có cấu trúc nòng cốt chủ – vị, chủ ngữ thể hiện đối tượng chủ đề, vị ngữ thể hiện đặc trưng chủ đề của câu. Nhưng chủ ngữ và vị ngữ là các thành phần câu thuộc bình diện ngữ pháp, còn đối tượng chủ đề và đặc trưng chủ đề của câu là hai khái niệm thuộc bình diện thông báo. Chúng không có quan hệ đồng nhất. Trong câu “Mọi người đều nhận thấy Huế trong Festival 2004 xanh hơn, đẹp hơn.”, chủ ngữ là “Mọi người”, vị ngữ là “đều nhận thấy Huế … xanh hơn, đẹp hơn”. Nhưng đối tượng chủ đề của câu này không phải là “Mọi người ”, mà là “Huế trong Festival 2004 ” và, đặc trưng chủ đề của câu không phải là “đều nhận thấy Huế … đẹp hơn” mà là “xanh hơn, đẹp hơn”. Bởi vì, người nói muốn thông báo: Huế xanh hơn, đẹp hơn trong Festival 2004 chứ không phải muốn thông báo mọi người đều nhận thấy điều ấy. Đây là lối diễn đạt dùng số đông để tranh thủ sự chấp nhận thông báo từ người đọc. Trong câu có nòng cốt tồn tại: “Ngày xưa, ở một làng kia có hai anh em nhà nghèo”, về mặt ngữ pháp thì “Ngày xưa, ở một làng kia” là trạng ngữ, “” là động từ tồn tại, “hai anh em nhà nghèo” là đối tượng tồn tại, nhưng về mặt thông báo thì “hai anh em nhà nghèo” là đối tượng chủ đề, tồn tại “ở một làng kia” vào thời gian “ngày xưa” là đặc trưng chủ đề. Lại có trường hợp đối tượng chủ đề bị tỉnh lược, chẳng hạn trong câu có nòng cốt qua lại: “Nếu mưa thì trễ mất”, đối tượng chủ đề đã bị tỉnh lược. Ở đây, đối tượng chủ đề có thể là một cuộc đi nào đó hoặc một cái gì đó khác đã được nói đến ở trước câu này và cái đó có thể “trễ mất“. Như vậy, “trễ mất” sẽ là đặc trưng chủ đề.

Để cho gọn, từ đây, đối tượng chủ đề sẽ được viết tắt là Đtgcđ và đặc trưng chủ đề sẽ được viết tắt là Đtrcđ.

1.1  Đặc điểm của các câu có quan hệ ngữ pháp đẳng lập trong cụm câu:

–         Về mặt ngữ pháp: Các câu hay phát ngôn trong cụm câu được coi là có quan hệ ngữ pháp đẳng lập khi chúng có vai trò ngang bằng nhau trong việc thể hiện ý chung, ý khái quát của cụm câu. Bản thân chúng, trong nội bộ, nhiều khi có cấu trúc ngữ pháp tương tự nhau.

–         Về mặt nội dung: Trong cụm câu, các câu có quan hệ ngữ pháp đẳng lập khi cùng hướng vào một chủ ý chung nghĩa là cùng cụ thể hóa một ý chung hoặc cùng làm cơ sở để đi tới một kết luận chung.

–         Về mặt lôgic: Trong cụm câu miêu tả, các câu có quan hệ đẳng lập thường là các câu miêu tả từng bộ phận của một chỉnh thể hoặc miêu tả cảnh, người, vật trong những nơi chốn hay thời đoạn tiếp nối. Trong cụm câu tự sự, các câu có quan hệ đẳng lập thường là các câu diễn tả các sự việc tiếp nối theo lôgic của sự tình trong không gian, thời gian. Trong cụm câu nghị luận, các câu có quan hệ đẳng lập thường có quan hệ ngang hàng hoặc quan hệ đối lập (là hai kiểu quan hệ giữa các hạng trong loại: đó là các câu cùng có chức năng liệt kê, dẫn chứng cho ý của một câu khác, là các câu diễn ý tuyển chọn, tương phản, bổ sung – phát triển hoặc nhượng bộ – tăng tiến v. v…) và quan hệ tiếp nối theo một trật tự lôgic nào đó.

–         Về mặt trật tự trước sau: Tương tự quan hệ đẳng lập giữa các thành phần câu trong câu, quan hệ đẳng lập giữa các câu trong cụm câu, có thể là quan hệ liên hội giản đơn hoặc liên hội tiếp nối trong không gian, thời gian hay theo một trình tự ngữ âm hoặc lôgic nhất định. Nếu là quan hệ liên hội giản đơn, trình tự giữa các câu trong cụm câu có thể hoán đổi mà thông báo cơ bản của cụm câu không thay đổi. Nếu là quan hệ tiếp nối trong không gian, thời gian hay theo một trình tự ngữ âm hoặc lôgic nhất định, trật tự giữa các câu trong cụm câu là không thể hoán đổi.

1.2  Các dạng cụm câu chứa các câu có quan hệ đẳng lập:

1.2.1  Dạng 1: Cụm câu gồm các câu đẳng lập có cấu trúc thông báo đơn giản

Đây là loại cụm câu kết chuỗi các câu có Đtgcđ giống nhau nhưng có Đtrcđ khác nhau hoặc các câu có Đtrcđ giống nhau nhưng có Đtgcđ khác nhau hoặc có cả Đtgcđ và đặc Đtrcđ khác nhau nhưng có chung một quan hệ lôgic nào đấy.

a.  Cụm câu gồm các câu cùng nói về một Đtgcđ và có các Đtrcđ tiếp nối theo trật tự thời gian, không gian hoặc một trình tự lôgic nào đấy:

–  Liên quay lại nhìn em, thấy An cũng đã ngủ say tay nắm chặt tà áo chị và đầu vẫn dựa vào vai. Liên nhìn quanh đêm tối, gió đã thoáng lạnh và đom đóm không còn nữa. Chị cúi xuống vực em vào trong hàng, mắt cũng ríu lại. Chị gài cửa cẩn thận và vặn nhỏ ngọn đèn đặt lên trên cái quả thuốc sơn đen. Rồi Liên đến bên em nằm xuống. Chị gối đầu lên tay nhắm mắt lại. (Thạch Lam, Hai đứa trẻ)

Trong cụm câu trên, Đtgcđ “Liên” hoặc được lặp lại hoặc được thế bằng từ “Chị”. Các Đtrcđ là các hoạt động tiếp nối của Liên theo trình tự thời gian trước sau khi đêm đã về khuya.

–  Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. (Hồ Chí Minh)

            Trong cụm câu này, Đtgcđ đều là “Chúng”, Đtrcđ là ba tội ác cụ thể mà hợp lại sẽ là tội ác của “chúng” về mặt chính trị.

b.  Cụm câu gồm các câu có Đtgcđ khác nhau nhưng có Đtrcđ tương đồng, có thể được diễn tả bằng hình thức ngôn từ giống nhau hoặc khác nhau:

–   Thuý Vân rất đẹp. Thuý Kiều cũng rất đẹp.

  Các sinh viên rất vui. Các thầy giáo cũng thế.

–      Người Pháp đổ máu đã nhiều. Dân ta hi sinh cũng không ít. (Hồ Chí Minh)

            Trong hai dẫn văn dưới, “thế” thay cho “rất vui” trong câu trước; “đổ máu đã nhiều” và “hi sinh cũng không ít” đều có nội dung tương đồng cốt yếu là: bị thương và chết nhiều.

c.  Cụm câu kết chuỗi các câu có Đgtcđ và Đtrcđ khác nhau chứa nội dung tương phản, các sự tình nối tiếp trong không gian, thời gian nhất định hoặc có quan hệ nhân quả:

+  Cụm câu gồm hai câu có nội dung tương phản:

Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa.

  Chị trằm bạc, em trằm bạc, tỉ muội vô phận bạc chi duyên.

Mình nhớ ta như cà nhớ muối 

  Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.

Trong cặp câu đối đầu tiên, câu 1 có ba Đtgcđ là: “Cha, con, phụ tử”; có ba Đtrcđ là “áo thâm, áo thâm, hữu tình thâm chi nghĩa”; câu sau có ba Đtgcđ là “chị, em, tỉ muội”, có ba Đtrcđ là “trằm bạc, trằm bạc, vô phận bạc chi duyên”. Chúng hợp lại và có chủ ý chung là: cha con, chị em đều có tình nghĩa mặn nồng và không bao giờ phai lạt. Trong câu ca dao, nội dung “Ta nhớ mình” đối lập với “Mình nhớ ta”. Hai câu hợp lại diễn đạt chủ ý chung của hai câu là ta và mình đều nhớ nhau rất nhiều, đều gắn liền với nhau như cà với muối, như cuội với trăng.

+  Cụm câu mà mỗi câu tả một bộ phận của quang cảnh chung: Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng cửa im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng. (Thạch Lam)

            Trong cụm câu này, ba câu có Đtgcđ khác nhau (Trời, Đường phố và các con ngõ, Các nhà), có ba Đtrcđ khác nhau (đã bắt đầu đêm…, dần dần chứa đầy bóng tối, đã đóng cửa im ỉm…). Ba câu hợp lại và có chủ ý chung là quang cảnh đầu đêm ở một phố huyện.

+  Cụm câu có câu nêu hoàn cảnh và các câu khác thuật hành động của nhân vật trong hoàn cảnh ấy: Hơi xe bọc thép chạy mỗi lúc một gần. Pháo bầy nổ càng gần hơn, nghe rào rào cành cây đổ. Việt day họng súng về hướng đó. Nếu mày đổ quân thì súng tao còn đạn. (Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình).

            Trong cụm câu này, hai câu đầu tả quang cảnh, hai câu sau thuật hành động và nghĩ suy của nhân vật.

+  Cụm câu kể hành động của nhiều nhân vật có quan hệ nhân quả hoặc tiếp nối.

–  A Phủ ra quỳ giữa nhà. Lập tức, bọn trai làng xô đến, trước nhất chắp tay lạy lia lịa tên thống lí Pá Tra rồi quay lại đánh A Phủ. A Phủ quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá.  (Tô Hoài, Vợ chồng A phủ)

–     Mã Lương lấy bút ra vẽ một con chim. Chim tung cánh bay lên trời, cất tiếng hót líu lo. Em vẽ tiếp một con cá. Cá vẫy đuôi trườn xuống sông, bơi lượn trước mắt em. (Ngữ văn 6, Tập một, Nxb GD, 2006, tr. 80).

–    Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chầm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. (Võ Quảng, theo Ngữ văn 6, Tập 2, Nxb GD, 2006, tr. 38)

Trong cụm câu gồm các câu đẳng lập có cấu trúc thông báo đơn giản này, các câu có thể có dạng thức móc xích (như cặp câu 2, 3 trong trích văn về A Phủ, cặp câu 1, 2, cặp câu 3, 4 trong trích văn về Mã Lương; cặp câu 1, 2 trong trích văn của Võ Quảng) hoặc có thể không có dạng móc xích (trong các câu còn lại) và mỗi câu thể hiện một khía cạnh, một mặt nhất định trong ý chung của cụm câu. Không có câu nào diễn tả ý chung của cả cụm câu; người đọc nếu muốn phải tự đặt ra câu diễn đạt ý chung ấy.

d.  Ngoài ra, các cặp câu hỏi-đáp, lệnh-đáp, nêu-báo, đối-đáp đều có thể coi là thuộc dạng đẳng lập có cấu trúc thông báo đơn giản này.

Ở dạng biến thể, người viết có thể viết ra các câu sai so với lí thuyết về câu của ngữ pháp truyền thống. Trong đó, câu đầu thường có cấu trúc ngữ pháp hoàn chỉnh còn các câu từ thứ hai trở đi có thể là các câu dưới bậc (do thành phần nòng cốt bị tỉnh lược). Các câu dưới bậc này thường là chủ ngữ, vị ngữ hoặc bổ ngữ của câu đầu được tách ra thành câu riêng và được sắp xếp theo một trật tự lôgic nhất định. Khi được tách thành câu riêng, chúng không còn là thành phần của câu trước, chúng có vai trò ngang bằng nhau trong việc thể hiện ý chung của cụm câu nên chúng có quan hệ đẳng lập. Chúng thường chứa các từ ngữ được lặp lại để biểu hiện các đặc điểm, tính chất, quan hệ, hành động hay đối tượng theo cùng một quan hệ lôgic. Thí dụ:

–         Hai người qua đường đuổi theo nó. Rồi ba bốn người, sáu bảy người. Trong câu đi sau, vị ngữ “qua đường đuổi theo nó” bị tỉnh lược; câu chỉ còn lại chủ ngữ. Trong các câu, số từ và từ “người” được lặp lại.

–         Đó là con người có tinh thần tự giác cao, có đầy đủ quyết tâm và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Là con người lao động thật thà, ghét lối ăn bám, dối trá, làm dối, nói dối. Là con người lao động có kỉ luật, có kĩ thuật, có năng suất cao… (Lê Duẩn). Trong câu 2 và 3, chủ ngữ bị tỉnh lược; câu chỉ còn vị ngữ. Trong hai câu sau, ngữ “là con người” được lặp lại.

–         Huấn đi về trạm máy. Một mình trong đêm. (Nguyễn Thị Ngọc Tú). Trong câu đi sau, chủ ngữ và vị ngữ “Huấn đi” bị tỉnh lược; câu chỉ còn bổ tố.

–         Từ trong bóng tối dày đặc, ánh sáng vẫn ngời lên. Ánh sáng tâm hồn của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. (1). Trong câu đi sau, chủ ngữ và động từ trung tâm “Ánh sáng vẫn ngời lên ấy là” bị tỉnh lược; câu chỉ còn lại bổ tố. Từ “ánh sáng” được lặp lại ở câu sau.

Nếu các thành phần câu được tách thành câu riêng ấy không cùng một quan hệ lôgic thì ta sẽ có các câu sai ngữ pháp. So sánh:

–         Văn học dân gian là những sáng tác văn học do nhân dân sáng tác và lưu truyền (dân gian có nghĩa là ở trong dân). Văn học dân gian cũng là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ như văn học viết. Văn học dân gian lại cùng với văn học viết hợp thành nền văn học dân tộc. Nhưng so với văn học viết, văn học dân gian có những đặc điểm riêng về lịch sử phát sinh và phát triển, về người sáng tác, về cách thức sáng tác và lưu truyền, về nội dung tư tưởng và thể loại nghệ thuật. (Văn học 10, Tập 1, GD, 1966, trang 12)

–         Văn học dân gian là những sáng tác văn học do nhân dân sáng tác và lưu truyền (…). Là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ như văn học viết. Lại cùng với văn học viết hợp thành nền văn học dân tộc. Có những đặc điểm riêng về lịch sử phát sinh và phát triển, về người sáng tác, về cách thức sáng tác và lưu truyền, về nội dung tư tưởng và thể loại nghệ thuật.

Trong cụm câu in thẳng này có các câu sai ngữ pháp. Ở đây, Đtrcđ của bốn câu thuộc những bình diện lôgic khác nhau và được diễn đạt bằng những kiểu nòng cốt câu khác nhau: hai câu đầu có nòng cốt quan hệ, hai câu sau có nòng cốt đặc trưng. Trong trích văn trên, câu 1 nói về tác giả của VHDG; câu 2 nói về bản chất của VHDG; câu 3 nói về vai trò của VHDG trong nền văn học dân tộc; câu 4 nói về đặc điểm riêng của VHDG nghĩa là không cùng một bình diện lôgic.

1.2.2  Dạng 2: Cụm câu gồm các câu đẳng lập có cấu trúc thông báo khai – thừa – chuyển  – hợp

Các câu đẳng lập có thể có quan hệ khai, thừa, chuyển, hợp. Đây là cấu trúc thông báo thường thấy trong các bài thơ tứ tuyệt luật Đường. “Khai” là mở ý, giống như khai môn (mở cửa) để ta có dịp nhìn thấu bên trong. “Thừa” là nói ý nối tiếp cái ý đã được mở ra để ý khỏi rời rạc và chuẩn bị cho câu chuyển, câu kết ở dưới. “Chuyển” là hướng ý sang một bình diện khác xuất phát từ một khía cạnh nào đó trong ý của câu thừa. Nó rất quan trọng, có tác dụng làm cho cái khí thế của toàn bài thơ nổ ra, dậy lên. “Hợp” là câu nêu ý khép lại, sao cho ứng với ý khai mở và ý thừa, chuyển, làm cho ý toàn bài trở nên “hảo diệu, tưởng như ngôn đã tận mà ý còn dư.(1). Khai, thừa, chuyển, hợp là quan hệ thông báo vừa có trong thơ tứ tuyệt luật Đường vừa có trong văn chương thuộc các thể loại khác. Thí dụ:

–         Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ / Mây côi trôi nhẹ giữa tầng không / Xay ngô cô gái miền sơn cước/ Ngô lúc xay xong bếp rực hồng. (Hồ Chí Minh)

–         Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu rỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. (Tô Hoài)

–         Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày / Ai ơi, bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

–         Anh Hoàng đi ra. Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì người khí to béo quá, vừa bước vừa bơi hai cánh tay kềnh kệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá. Cái dáng điệu nặng nề ấy, hồi còn ở Hà Nội anh mặc quần áo tây cả bộ, trông chỉ thấy là chững chạc và hơi bệ vệ. Bây giờ nó lộ ra khá rõ ràng, trong bộ áo ngủ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không còn thở được. (Nam Cao)

Mỗi trích văn trên đều có bốn câu. Mỗi bốn câu ấy đều có quan hệ ngữ pháp đẳng lập với nhau và có quan hệ thông báo khai, thừa, chuyển, hợp. Trong đó không có câu nào diễn tả ý chính của toàn cụm câu hay toàn bài. Người đọc phải tự nghĩ ra câu nêu ý chung của cả cụm câu.

Ở bài thất ngôn bát cú, thường có hai câu khai, hai câu thừa, hai câu chuyển, hai câu hợp. Mỗi hai câu ấy được gọi là một liên: liên đề – liên thực – liên luận – liên kết. Đó là loại hình cấu trúc thông báo tiêu mẫu, điển dạng. Bốn liên ấy (cũng là bốn cụm câu) có quan hệ ngữ pháp đẳng lập. Ở dạng biến thể, người viết một mặt, có thể tạo ra một cụm câu, một đoạn văn khai – thừa – chuyển – hợp hoặc đề – thực – luận – kết rõ ràng, đầy đủ; mặt khác cũng có thể viết ra những cụm câu, đoạn văn không có cấu trúc đầy đủ như vậy. Đó sẽ là cụm câu, đoạn văn khuyết một thành phần cấu trúc nào đó. Chẳng hạn cụm câu, đoạn văn có cấu trúc: đề – thực – kết. Bài thơ Hội Tây của Nguyễn Khuyến tuy được làm theo thể bát cú Đường luật nhưng rõ ràng đã có quy mô tương đương một đoạn văn 8 câu và có cấu trúc 1 liên đề – 1 liên thực (bốn câu) – 1 liên kết.

1.2.3  Dạng 3: Cụm câu gồm các câu đẳng lập có cấu trúc thông báo mở đầu – khai đoan – phát triển – đỉnh điểm – kết thúc

Văn thuật sự, văn kể chuyện là văn thuật lại một quá trình phát triển của sự vật, câu chuyện. Lí luận văn học đã phân tích cấu trúc một cốt truyện ở dạng đầy đủ gồm 5 thành tố: mở đầu, khai đoan, phát triển, đỉnh điểm, kết thúc. “Mở đầu” có chức năng giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh. “Khai đoan” (mở mối) có chức năng giới thiệu sự việc, mâu thuẫn. “Phát triển” có chức năng trình bày diễn biến của sự việc, mâu thuẫn. “Đỉnh điểm” trình bày cao trào của sự việc, trình bày mâu thuẫn ở thời điểm phát triển căng thẳng nhất. “Kết thúc” trình bày kết quả của sự phát triển sự việc, mâu thuẫn. Một văn bản tự sự tối giản, chỉ gồm một cụm câu như truyện ngắn “Hai con dê có thể coi là có 5 loại câu: câu mở đầu, câu khai đoan, câu phát triển, câu đỉnh điểm, câu kết thúc.

Cụ thể như sau:

–         Dê trắng và dê đen cùng qua một chiếc cầu hẹp. Đây là câu mở đầu: giới thiệu nhân vật (hai con dê đen, trắng) và hoàn cảnh (qua cầu hẹp).

–         Dê đen đi đằng này lại, dê trắng đi đằng kia qua. Đây là câu khai đoan: giới thiệu mâu thuẫn giữa hai con dê (cùng qua cầu hẹp theo chiều ngược nhau).

–         Con nào cũng muốn sang trước, chẳng con nào chịu nhường con nào. Đây là câu phát triển: kể sự phát triển của mâu thuẫn.

–         Chúng húc nhau. Đây là câu đỉnh điểm: nêu hành động quyết liệt nhất, cao nhất trong sự phát triển của mâu thuẫn.

–         Cả hai đều rơi tõm xuống suối. Đây là câu kết thúc: diễn tả kết quả giải quyết mâu thuẫn.

Một cụm câu thuật lại một quá trình diễn biến cũng có thể gồm các câu được phân loại như trên. Thí dụ:

(1) Từ giữa thế kỉ XVI, nhiều giáo sĩ người Âu đã đến Việt Nam truyền đạo. (2) Họ học tiếng Việt, dùng chữ cái La-tinh ghi âm tiếng Việt để phục vụ cho việc giảng đạo, việc dịch và in các sách đạo. (3) Ban đầu việc ghi âm tiếng Việt còn chưa thống nhất, mỗi người có cách ghi riêng theo lối chữ của nước mình (Bồ Đào Nha, Ý, Pháp…). (4) Mãi về sau, gần suốt nửa thế kỉ thứ XVII, họ mới xây dựng nên một lối viết chữ ít nhiều thống nhất. (5) Chữ quốc ngữ ra đời từ đó. (Tiếng Việt 10, Nxb GD, trang 9)

–         Câu 1: mở đầu: giới thiệu nhân vật (giáo sĩ người Âu), hoàn cảnh (đến Việt Nam truyền đạo vào giữa thế kỉ XVI).

–         Câu 2: Khai đoan: giới thiệu mâu thuẫn (ghi âm tiếng Việt bằng chữ La-tinh khác hẳn thói quen của người Việt Nam cho đến lúc đó).

–         Câu 3: Phát triển: kể diễn biến của mâu thuẫn thời kì đầu (việc ghi âm chưa thống nhất).

–         Câu 4: Đỉnh điểm: Tiếp tục kể diễn biến của mâu thuẫn thời kì ‘mãi về sau. Và bước phát triển ở mức cao nhất (ít nhiều thống nhất).

–         Câu 5: Kết thúc: nêu kết cục của quá trình phát triển mâu thuẫn (Chữ quốc ngữ ra đời)

Thí dụ khác:

 (1) Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. (2) Bao giờ cũng vậy, cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. (3) Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. (4) Mà cũng đúng như thế thật. (5) Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. (6) Bà thắt lưng buộc bụng nuôi nó từ tấm tấm, tí tí trở đi. (7) Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. (8) Thế mà chưa cho mẹ nhờ một tí, nó đã lăn cổ ra chết. (9) Công bà thành công toi. (Nam Cao)

–         Câu 1: Mở đầu: giới thiệu nhân vật “bà lão” hoàn cảnh “hờ con suốt đêm“.

–         Các câu 2, 3: Khai đoan: giới thiệu mâu thuẫn (con mà lại làm mẹ phải đói vì hết đường làm ăn).

–         Các câu: 4, 5, 6, 7: Phát triển: một mình bà nuôi con từ lúc lọt lòng, mong sau này lúc về già có thể nhờ vả nó.

–         Câu 8: Đỉnh điểm: Vậy mà nó chết trước bà.

–         Câu 9: Kết thúc: bà toi công

Ở dạng biến thể, người viết có thể viết một cụm câu kể chuyện không đủ cả 5 thành tố như trên. Thí dụ:

(1) Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. (2) Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. (3) Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. (4) Tai Mị nghe vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. (5) Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. (6) Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. (7) Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. (8) Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác. (Tô Hoài).

Ở cụm câu này, câu 1: mở đầu; câu 2: khai đoan; các câu 3 đến 8: phát triển, trong đó câu 3 là câu chính, các câu còn lại là các câu phụ. Riêng câu 6 không phụ cho câu 3 mà diễn lại ý trong hai câu đầu diễn tả tâm trạng lẫn lộn, xáo trộn, không mạch lạc của Mỵ. Cụm câu khuyết thành tố đỉnh điểm và kết thúc.

1.3 Một hệ thống phân loại khác.

Ở trên là sự phân loại xuất phát từ tiêu chí đặc điểm nội dung và hình thức của các câu trong cụm câu đẳng lập. Nếu dựa vào khả năng hoán đổi vị trí giữa các câu có quan hệ ngữ pháp đẳng lập trong cụm câu, cụm các câu đẳng lập có thể được chia thành hai loại: có thể và không thể hoán đổi vị trí.

Loại 1: Cụm câu trong đó có các câu có quan hệ đẳng lập có thể hoán đổi vị trí mà ý của cụm câu không đổi nếu không xét quan hệ giữa cụm câu này với các cụm câu xung quanh. Thí dụ:

–         Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng cửa im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng. (Thạch Lam)

–         Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu rỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. (Tô Hoài)

–         Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. (Hồ Chí Minh)

Ba cụm câu miêu tả, thuật sự và nghị luận ở trên là ba cụm câu chứa các câu đẳng lập liên hội giản đơn, các câu trong các cụm câu này có thể hoán đổi vị trí. Trong hai cụm câu đầu và giữa, mỗi câu có đối tượng và đặc trưng chủ đề riêng. Trong cụm câu cuối, ba câu có chung đối tượng chủ đề và có đặc trưng chủ đề khác biệt. Trong từng cụm câu, các câu có quan hệ lôgic ngang hàng và cùng hướng vào chủ ý chung của từng cụm câu.

Loại 2: Cụm câu trong đó có các câu có quan hệ đẳng lập không thể hoán đổi vị trí. Thí dụ:

–         A Phủ ra quỳ giữa nhà. Lập tức, bọn trai làng xô đến, trước nhất chắp tay lạy lia lịa tên thống lí Pá Tra rồi quay lại đánh A Phủ. A Phủ quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá.  (Tô Hoài)

–         Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ / Mây côi trôi nhẹ giữa tầng không / Xay ngô cô gái miền sơn cước/ Ngô lúc xay xong bếp cũng hồng. (Hồ Chí Minh)

–         Văn học dân gian là những sáng tác văn học do nhân dân sáng tác và lưu truyền (dân gian có nghĩa là ở trong dân). Văn học dân gian cũng là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ như văn học viết. Văn học dân gian lại cùng với văn học viết hợp thành nền văn học dân tộc. Nhưng so với văn học viết, văn học dân gian có những đặc điểm riêng về lịch sử phát sinh và phát triển, về người sáng tác, về cách thức sáng tác và lưu truyền, về nội dung tư tưởng và thể loại nghệ thuật. (Sđd)

Có thể thấy, các câu có quan hệ đẳng lập trong cụm câu thường có cấu trúc ngữ pháp nòng cốt tương tự nhau, có vai trò ngang bằng nhau trong việc diễn đạt chủ đề của cụm câu. Vị trí của chúng trong cụm câu có thể được hoán đổi. Trường hợp không thể hoán đổi được thì thường là vì lí do phi ngữ pháp như lí do lôgic của thực tại được miêu tả (như trong cụm câu tả A Phủ bị đánh), lí do ngữ âm, vần điệu của các từ trong các câu thành tố (như trong bài “Chiều tối”) hoặc lí do câu sau có chứa liên ngữ, quan hệ từ, đại từ, phó từ, trợ từ, tính từ có tác dụng liên kết (như trong cụm câu nói về VHDG). Sự liên hội giản đơn hoặc tiếp nối các ý của các câu trong cụm câu đẳng lập có tác dụng tạo ra các thông tin có mức độ hoàn chỉnh và có thể làm trọn một chức năng giao tiếp.

Chú ý: Cụm câu gồm các câu có quan hệ ngữ pháp đẳng lập không có câu nào diễn tả ý chung, bao quát của cả cụm câu, nghĩa là, không có câu chủ ý hay câu chốt, hoặc câu chủ đề của cụm câu.

2.  QUAN HỆ NGỮ PHÁP CHÍNH PHỤ GIỮA CÁC CÂU TRONG CỤM  CÂU

2.1  Đặc điểm của quan hệ ngữ pháp chính phụ giữa các câu trong cụm câu:

–         Về mặt ngữ pháp: Trong cụm câu, câu chính giữ vai trò chính, câu phụ giữ vai trò phụ trong việc thể hiện ý chung của cụm câu. Câu chính quyết định quan hệ ngữ pháp văn bản của cả cụm câu với các cụm câu khác trong đoạn văn.

–         Về mặt nội dung: Câu chính diễn tả ý khái quát, toàn thể; câu phụ diễn tả ý cụ thể, bộ phận. Cần chú ý là trong phạm vi văn bản, tùy hoàn cảnh giao tiếp, các câu phụ về mặt ngữ pháp cũng có thể giữ vai trò chính về mặt thông báo. Tương tự như trong phạm vi câu, nhiều khi thành phần phụ về mặt ngữ pháp lại là tiêu điểm thông báo của câu.

–         Về mặt lôgic: Giữa ý của câu chính và ý của câu phụ có thể có mối quan hệ toàn thể – bộ phận, khái quát – cụ thể, nhận định – minh chứng, kết luận – tiền đề …

–         Về mặt trật tự trước sau: Nhìn chung, trật tự giữa các câu không thể thay đổi. Muốn thay đổi trật tự, phải có sự biến cải câu, phải thay đổi hoặc/và thêm các từ có chức năng liên kết.

2.2  Các dạng cụm câu chứa các câu có quan hệ chính phụ

 2.2.1  Dạng 1: Cụm câu chứng minh

Ở dạng này, câu chính nêu ý chung, hoặc nêu nhận định chung, bao quát. Câu phụ nêu bằng chứng, dẫn chứng hoặc ví dụ để làm sáng tỏ nội dung được trình bày trong câu chính. Thí dụ:

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một bằng chứng: Em Lan lại bị bạn đánh ở nhà trẻ. Vết cấu cắn còn in rõ trên mặt đây này.

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một dẫn chứng: Thơ Tố Hữu không gây ngạc nhiên ở những từ ngữ mới lạ, hình ảnh tân kì, mà ở những phối âm tài hoa của thanh điệu ngôn ngữ:

             Thác bao nhiêu thác, cũng qua / Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

            Nỗi niềm chi rứa Huế ơi! / Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một ví dụ: Truyện cổ tích dân gian của các dân tộc khác nhau có nhiều tác phẩm giống nhau, không chỉ giống nhau về cốt truyện, về nhân vật mà cả về nhiều tình tiết. Ví dụ truyện “Tấm Cám” của ta rất giống với truyện “Cô Lọ Lem” ở các nước châu Âu…

2.2.2  Dạng 2: Cụm câu giải thích

Ở dạng này, câu chính nêu một ý chung, trừu tượng hoặc khái quát, câu phụ (hoặc các câu phụ) thuyết minh (nói rõ) bằng một định nghĩa, một ý triển khai, một nguyên nhân, một lí do hoặc một điều kiện. Thí dụ:

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một định nghĩa: Toả ánh sáng của một tâm hồn lớn, “Nhật kí trong tù” cũng toả ánh sáng của một trí tuệ lớn. Đó là ánh sáng của thế giới quan, nhân sinh quan Mác – Lê nin, là ánh sáng của những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú được tổng kết sâu sắc của một lãnh tụ vĩ đại.

–         Các câu phụ thuyết minh câu chính bằng ý triển khai đtgcđ: Út lại cười. Đôi mắt cũng cười. Mái tóc cũng cười. Cái lúm đồng tiền tròn vo cũng cười.(1) Ba câu phụ 2, 3, 4 thuyết minh câu 1 bằng 3 ý triển khai: Cô Út được triển khai cụ thể qua đôi mắt, mái tóc, lúm đồng tiền; còn Đtrcđ của 4 câu là giống nhau.

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng các ý triển khai đtrcđ: Thành đọc sách nhiều nhưng cũng chơi nhiều. Chú thích đánh đáo, đánh cờ, đánh cù, thích lên núi Chung. [Trên đó có những bãi đất bằng đánh cù rất tiện.] Lại có lúc ngẩn ngơ một mình trước đền Thánh Cả. [Đứng đó nhìn ra xung quanh rất đẹp.] Lại có những lúc mấy anh em kéo nhau đi chơi thành xa, đi lên Rú Mượu, đi qua đền Độc Lôi, đi đến tận Rú Thành cách làng vài chục cây số. (Hoài Thanh – Thanh Tịnh) (Các câu phụ thuyết minh ý “chơi nhiều” trong câu 1 bằng các ý triển khai “đánh đáo, đánh cờ, lên núi” (câu 2), “ngẩn ngơ trước đền Thánh Cả” (câu 4), “đi chơi xa” (câu 6). Câu 3 và câu 5 là hai câu phụ bậc 2, chúng thuyết minh cho câu 2 và 4).

–         Các câu phụ thuyết minh câu chính bằng ý triển khai cả đtgcđ và đtrcđ: Mười tám tuổi, Ly chợt sáng bừng lên như một đóa hồng nhung buổi sáng. Tóc Ly bóng mượt, lượn sóng sau những bước đi uyển chuyển. Thân hình nẩy nở, đôi mắt đen biêng biếc, long lanh, đôi môi hồng rạng rỡ. Cả giọng nói hình như cũng khác, một giọng nói vừa ngọt ngào như mật, vừa nhẹ êm như gió thoảng. Cả tiếng cười cũng khác: vừa ấm như nắng mùa đông, vừa trong ngần như giọt pha lê.(2) Bốn câu phụ 2, 3, 4, 5 thuyết minh ý Ly đẹp rực rỡ, cao sang, đầy sức sống trong câu 1 bằng các ý triển khai về vẻ đẹp của tóc, thân hình, đôi mắt, đôi môi, giọng nói, tiếng cười của Ly.

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một lí do: Nhạc điệu câu thơ cũng khác. Vì những chỗ ngắt hơi không nhất định. Nhất là vì cái lối dùng chữ rớt đã được nhập tịch đường hoàng. (Hoài Thanh). Hai câu phụ thuyết minh câu 1 bằng hai lí do.

–         Câu phụ thuyết minh câu chính bằng một ý điều kiện: Ngủ trọ phải hai xu một tối. Nếu không ăn cơm, ăn quà. (Ngô Tất Tố, Tắt đèn). Lão sẽ đẹp trai lắm. Nếu lão có một cái mỏ vừa phải. (Tô Hoài)

–         Câu phụ là bổ tố của động từ vị ngữ trong câu chính được tách riêng ra và được viết sang dòng khác:

Bản ‘Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền’ của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”  

            2.2.3  Dạng 3: Cụm câu quy nạp

Ở dạng này, câu chính nêu một ý suy luận, một ý khái quát hoá hoặc một ý kết quả được rút ra từ câu (hoặc các câu) phụ và được viết sau các câu phụ. Câu (hoặc các câu) phụ thường được gọi là các câu tiền đề, còn câu chính thường được gọi là câu kết luận. Thí dụ:

–         Không phải bây giờ Việt Nam mới đặt vấn đề phát huy nội lực đâu. Vấn đề này đã được đề cập tới nhiều trong nghị quyết của Đảng và kế hoạch của Chính phủ, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Vì vậy trong Nghị quyết Trung ương bốn, chúng tôi nhấn mạnh phát huy nội lực. Phát huy nội lực gồm nhiều mặt: phát huy trí tuệ của nhân dân, sức lao động của con người, tài nguyên của đất nước, vốn liếng của nhân dân… chứ không đơn thuần là chỉ có huy động 5-6 tỉ USD còn tiềm ẩn trong nhân dân. Nếu có phát huy nội lực tốt thì mới có thể thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài và sử dụng chúng có hiệu quả. Vì vậy, đây không phải là sự thay đổi chính sách của Việt Nam nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ ở khu vực. (1)

Trích văn này có hai cụm câu quy nạp; mỗi cụm câu gồm 3 câu. Trong mỗi cụm câu đó, hai câu đầu nêu ý cơ sở để suy luận, là hai câu phụ, câu chính là câu suy luận được viết ở cuối cụm câu và được mở đầu bằng kết ngữ “Vì vậy”.

–         Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Trong đoạn văn trên, cụm câu 1 gồm hai câu đầu là cụm câu phụ, diễn đạt ý cơ sở cho ý đánh giá, suy luận được diễn đạt trong cụm câu 2 gồm hai câu tiếp sau, cụm câu tiếp sau là cụm câu chính: nêu ý đánh giá, suy luận.

3.  QUAN HỆ HỖN HỢP ĐẲNG LẬP VÀ CHÍNH PHỤ GIỮA CÁC CÂU TRONG CỤM CÂU

3.1  Cụm câu hỗn hợp tồn tại cả quan hệ đẳng lập và chính phụ xét về mặt ngữ pháp; cả quan hệ song hành, giải thích, chứng minh và quy nạp, xét về mặt thông báo.

Thí dụ 1:

(1) Toả ánh sáng của một tâm hồn lớn, “Nhật kí trong tù” cũng toả ánh sáng của một trí tuệ lớn. (2) Đó là ánh sáng của thế giới quan, nhân sinh quan Mác-Lênin, là ánh sáng của những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú được tổng kết sâu sắc của một lãnh tụ vĩ đại. (3) “Học đánh cờ” là tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chiến thuật quân sự được hình tượng hoá mà thành thơ. (4) “Cảm tưởng Thiên gia thi” là tuyên ngôn bằng thơ của cách mạng. (5) “Cột cây số”, “Nghe tiếng giã gạo” là những bài học lớn về đạo đức cách mạng. (6) Thơ “Nhật kí trong tù” bài nào cũng lấp lánh ánh sáng của một trí tuệ lớn.            Câu 1 nêu ý chung, khái quát của cả cụm câu; câu 2 giải thích ngữ “ánh sáng của một trí tuệ lớn” trong câu 1 nên câu 1 là câu chính, câu 2 là câu phụ cho câu 1 (dạng giải thích). Các câu 3, 4, 5 là các câu dẫn chứng lần lượt làm sáng tỏ ý trong câu 1 nên câu 1 là câu chính, các câu 3, 4, 5 là các câu phụ cho câu 1 (dạng chứng minh). Các câu 2, 3, 4, 5 đều là cơ sở để suy ra nội dung trong câu 6 nên câu 6 là câu chính, các câu 2, 3, 4, 5 là các câu phụ (dạng quy nạp). Các câu 1 và 6 cùng có đối tượng chủ đề và cùng đặc trưng chủ đề nên chúng đẳng lập với nhau (dạng tương đồng). Các câu 2 và 3, 4, 5 có chức năng chung là cùng phụ cho câu 1 và cùng làm cơ sở để suy ra ý trong câu 6 nên chúng đẳng lập với nhau (dạng song hành). Các câu 3, 4, 5 cùng là dẫn chứng cho câu 1 nên chúng đẳng lập với nhau (dạng tương đồng).

Thí dụ 2:

(1) Rồi Ly mười tám tuổi. (2) Mười tám tuổi, Ly chợt sáng bừng lên như một đóa hồng nhung buổi sáng. (3) Tóc Ly bóng mượt, lượn sóng sau những bước đi uyển chuyển. (4) Thân hình nẩy nở, đôi mắt đen biêng biếc, long lanh, đôi môi hồng rạng rỡ. (5) Cả giọng nói hình như cũng khác, một giọng nói vừa ngọt ngào như mật, vừa nhẹ êm như gió thoảng. (6) Cả tiếng cười cũng khác: vừa ấm như nắng mùa đông, vừa trong ngần như giọt pha lê. (7) Ly đẹp đến bất cứ ai cũng sững sờ. (8) Khi Ly ra phố, những người khác qua đường chợt quay lại nhìn. (9) Những thanh niên ngồi trong quán vỉa hè thì huýt sáo. (10) Còn những người đàn ông có tuổi cố giấu những tiếng thở dài. (tài liệu đã dẫn)

Trong trích đoạn trên:

–         Câu (1) có quan hệ đẳng lập với câu (2). Chúng có Đtgcđ giống nhau và Đtrcđ khác nhau. Chúng là hai câu có quan hệ song hành.

–         Câu (2) có quan hệ chính phụ với các câu (3), (4), (5), (6) vì bốn câu này có cấu trúc ngữ pháp nòng cốt tương tự, có chức năng cụ thể hóa ý trong câu (2). Câu (2) là câu chính (diễn ý toàn thể), các câu  (3), (4), (5), (6) là các câu phụ, 4 câu này có quan hệ đẳng lập tiếp nối theo quan hệ lôgic ngang hàng (diễn các ý bộ phận thuyết minh cho câu (2)).

–         Câu (7) có quan hệ đẳng lập với câu (2). Chúng có Đtgcđ giống nhau và Đtrcđ khác nhau. Chúng có quan hệ song hành. Câu (7) có quan hệ chính phụ với các câu (8), (9), (10) vì ba câu này có cấu trúc ngữ pháp nòng cốt tương tự, có chức năng cụ thể hóa ý trong câu (7). Câu (7) là câu chính (diễn ý chung, khái quát), các câu (8), (9), (10) là các câu phụ có quan hệ đẳng lập tiếp nối (diễn ý cụ thể hóa câu 7 theo lôgic tiệm tiến).

–         Câu (2) và (7) có quan hệ đẳng lập tiếp nối với nhau và với câu (1). Liên hợp ba câu (1), (2) và (7) làm nên nòng cốt thông báo của kết cấu văn bản này. Như vậy, có thể nói kết cấu văn bản trên là một đoạn văn gồm ba cụm câu có quan hệ đẳng lập tiếp nối: cụm câu 1 chỉ có câu (1); cụm câu 2 gồm các câu (2), (3), (4), (5), (6); cụm câu 3 gồm các câu (7), (8), (9), (10).

–         Về mặt thông báo, câu 1 (Rồi Ly mười tám tuổi) có chức năng mở ý kết hợp chuyển ý (Từ “Rồi” làm nhiệm vụ chuyển ý). Câu 2 nói về vẻ đẹp của Ly là câu chủ ý. Bốn câu (3), (4), (5), (6) là các câu thuyết ý cho câu (2), triển khai vẻ đẹp của Ly qua các bộ phận tóc, thân thể, giọng nói, tiếng cười của Ly. Bốn câu cuối là các câu kết ý: nói về tác động của vẻ đẹp ấy tới người xung quanh. Trong các câu cuối này, câu (7) là câu chủ ý và ba câu (8), (9), (10) là ba câu thuyết ý cho câu (7).

3.2  Các loại câu trong cụm câu hỗn hợp ở dạng tối đa

Trong sách giáo khoa phổ thông, đoạn văn được coi là đơn vị cơ sở để tổ chức văn bản (không có sự phân biệt giữa cụm câu và đoạn văn). Dựa vào bố cục một bài văn nghị luận gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết luận, các sách “Làm văn” 10, 11, 12 đã dạy học sinh là: một đoạn văn gồm có ba loại câu:

câu mở đoạn,

câu thân đoạn,

câu kết đoạn.

Ngoài ra, môn này còn dạy học sinh hai khái niệm câu chủ đoạncâu chuyển đoạn (hoặc câu nối). Có thể thấy, trong quan niệm này, bốn loại câu mở đoạn, chủ đoạn, kết đoạn, chuyển đoạn là kết quả phân loại dựa vào mặt chức năng của câu trong việc tạo nên nội dung thông báo của đoạn văn; riêng câu thân đoạn lại là câu có được dựa trên vị trí của nó trong đoạn văn. Do vậy, các loại câu ấy không có quan hệ ngang hàng trong cùng một hệ thống. “Giáo trình Làm văn” của Chim Văn Bé có quan niệm nhất quán hơn. Theo giáo trình này, xét về mặt chức năng thông báo của câu trong đoạn văn, ở dạng tối đa, một đoạn văn có năm loại câu: câu chuyển đoạn, câu mở đoạn, câu chủ đoạn, các câu thuyết đoạn câu kết đoạn (1). Trong thực tế hành văn, mỗi loại câu kể trên đều có khả năng vắng mặt. Trong đoạn văn tự nghĩa hoặc đoạn văn hợp nghĩa mà câu mở đoạn hoặc chủ đoạn đồng thời làm thêm chức năng chuyển đoạn thì tất nhiên sẽ không có câu chuyển đoạn. Trong đoạn văn mà người viết không cần triển khai cụ thể có khi chỉ có duy nhất một câu chủ đoạn. Cũng có khi đoạn văn không có câu chủ đoạn mà chỉ gồm toàn những câu thuyết đoạn v. v… 

Chúng tôi quan niệm các kết cấu văn bản gồm: cụm câu, đoạn văn, mục, tiết, chương, phần. Trong mỗi kết cấu văn bản ấy, ở dạng tối đa đều có thể có các thành tố mở ý, chủ ý, luận ý, cụ thể hoá ý, kết ý, chuyển ý. Như thế, trong một cụm câu ở dạng tối đa sẽ có câu chuyển ý, câu mở ý, câu chủ ý, câu luận ý, câu thuyết ý và câu kết ý. Trong thực tế lập văn bản, người viết tuỳ tình huống và mục đích giao tiếp có thể viết những cụm câu không có đủ sáu câu thành tố trên. Nghĩa là một, hai thậm chí ba, bốn thành tố có thể khuyết.

–         Câu chuyển ý có chức năng liên kết ý của cụm câu, đoạn văn sắp trình bày với ý của cụm câu, đoạn văn trước đó.

–         Câu mở ý có chức năng dẫn ý vào ý của cụm câu, đoạn văn…

–         Câu chủ ý có chức năng nêu ý khái quát, ý hạt nhân của cụm câu, đoạn văn…

–         Câu luận ý bàn luận, đánh giá ý trong câu chủ ý hoặc nêu một ý mở rộng có liên quan.

–         Các câu thuyết ý có chức năng làm rõ ý khái quát trong câu chủ ý và nếu cần, bàn luận hoặc làm rõ thêm ý của bản thân chúng.

–         Câu kết ý có chức năng tóm tắt ý của cụm câu, khẳng định lại ý trong câu chủ ý. Nếu câu luận ý được trình bày sau câu kết ý thì nó làm chức năng hoặc khái quát hoá hoặc mở rộng ý trong cụm câu và có thể coi câu luận ý này là một trong những câu kết ý.

–         Xét về mặt ngữ pháp, giữa câu chủ ý và các câu thuyết ý có quan hệ ngữ pháp chính phụ; giữa các câu thuyết ý với câu kết ý có quan hệ phụ chính; giữa câu chuyển ý, mở ý, chủ ý, luận ý và kết ý thường (không phải luôn luôn) có quan hệ ngữ pháp đẳng lập.

Thí dụ 1:

(1) Trước hết ta không nên quên rằng trong văn nghệ cũng như trong triết học, cũng như trong phạm vi chính trị, tự do là một vấn đề tương đối, không phải một vấn đề tuyệt đối. (2) Mọi sự lạm dụng xung quanh danh từ đó đều có thể gây nên ảnh hưởng xấu. (3) Trên quả địa cầu này, ai là người có thể muốn làm gì thì làm, muốn gì thì muốn? (4) Ai là người có khối óc thông minh tuyệt đối, có một nghị lực không giới hạn? (5) Phần không gian và thời gian mà mình được hưởng trên trường sinh hoạt chung, lực lượng của mình về phần tinh thần, thể phách đều là những giới hạn của ý muốn mình. (6) Sức hành động của mọi người chỉ có thể vận dụng trong bấy nhiêu điều kiện của tự nhiên của nhân tính. (7) Tự do không phải là một quyền lợi vô hạn lượng, không phải là một năng lượng tuyệt đối. (Đặng Thai Mai, Văn học khái luận).

Trong cụm câu trên, câu 1 với kết ngữ “Trước hết” đã làm chức năng chuyển ý; nó lại nêu ý chung, khái quát của cả cụm câu nên làm luôn chức năng câu chủ ý, như vậy câu 1 là câu chủ ý đồng thời làm chức năng chuyển ý; câu 2 nêu ý bàn rộng nên là câu luận ý; câu 3, 4, 5, 6 là các câu giải thích, chứng minh câu 1 nên chúng là các câu thuyết ý; câu 7 diễn giải lại ý trong câu 1 nên là câu kết ý. Cụm câu không có câu mở ý. Nếu câu 2 được chuyển xuống cuối cụm câu thì nó vừa là câu luận ý, vừa là một trong hai câu kết ý.

Xét về mặt ngữ pháp, trong khổ viết này:

–         Câu (1) và câu (2) có quan hệ song hành về mặt nội dung và quan hệ đẳng lập về mặt ngữ pháp. Câu (2) chứa ngữ “danh từ đó thay thế cho danh từ tự do có trong câu (1), nó phải đi sau câu (1). Tuy nhiên, danh từ “tự do” cũng có mặt trong câu (7) nên nó cũng có thể được đặt sau câu (7) này, nếu như người viết muốn biến cải cụm câu.

–         Câu (3), (4), (5), (6) có quan hệ đẳng lập vì cùng có chức năng cụ thể hóa câu (1) (là câu diễn đạt ý hạt nhân). Trong đó, hai câu (3), (4) có quan hệ đẳng lập liên hội giản đơn, cả hai cùng là câu hỏi tu từ, có cấu trúc ngữ pháp tương tự; hai câu (5), (6) có quan hệ đẳng lập tiếp nối: câu (6) phải đi sau câu (5) vì chứa đại từ chỉ lượng “bấy nhiêu” thay thế cho các điều kiện có mặt trong câu (5). Ngoài ra, cặp câu (3), (4) và cặp câu (5), (6) cũng có quan hệ đẳng lập liên hội giản đơn, vì hai cặp câu này cùng có chức năng cụ thể hóa câu (1). Bốn câu (3), (4), (5), (6) một mặt cụ thể hoá câu (1), mặt khác chúng cùng tạo cơ sở để đi đến ý trong câu (7).

–         Câu (7) và câu (1) có nội dung thống nhất, cùng diễn đạt ý khái quát của cả 7 câu. Chúng có quan hệ đẳng lập tiếp nối. Kết ngữ “Trước hết” trong câu (1) khiến nó có vị trí trước câu (7).

Như vậy nếu 7 câu trên bị xáo trộn vì một lí do nào đó, ta có thể dựa vào quan hệ ngữ pháp và thông báo giữa chúng để sắp xếp lại theo các trường hợp sau:

    (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7)    (cách của tác giả)      

    (1), (2), (4), (3), (5), (6), (7)  (vì 3, 4 đẳng lập liên  hội giản đơn)

    (1), (2), (5), (6), (3), (4), (7)  (vì 5, 6 đẳng lập liên hội gđ với 3, 4)

    (1), (2), (5), (6), (4), (3), (7)  (vì như trên và 3, 4 đẳng lập liên hội gđ)

    (1), (3), (4), (5), (6), (7), (2)  (vì từ ‘đó’ trong 2 thay thế ‘tự do’ trong 7)

    (1), (4), (3), (5), (6), (7), (2)  (vì như trên và 3, 4  đẳng lập liên hội gđ)

    (1), (5), (6), (3), (4), (7), (2)               

    (1), (5), (6), (4), (3), (7), (2) 

       (vì 2 có thể đi sau 7; 3 đẳng lập liên hội với 4 và 3, 4 đẳng lập liên hội với 5, 6)

Thí  dụ  2:

(1) Song sức hấp dẫn của đoạn thơ này không chỉ có vậy. (2) Huy Cận không đơn thuần chỉ miêu tả từng pho tượng, chỉ “tạc” hình khối đường nét mà còn lột tả được cả thế giới nội tâm của chúng. (3) Trong cảm quan của Huy Cận, những pho tượng ấy có sự thống nhất hài hòa giữa ngoại hình và nội tâm. (4) Và nhà thơ vẽ ra, miêu tả những hình vẻ bên ngoài chủ yếu là để thể hiện nội tâm của những vị La Hán mà cũng chính là nội tâm đau đớn, quằn quại, vật vã, đầy đau khổ của những người nơi trần thế. (5) Những cử chỉ, tư thế, dáng điệu của mỗi pho tượng, qua góc nhìn của nhà thơ, đã làm nổi bật lên nỗi thống khổ đau đớn của con người: “Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt”, “Môi cong chua chát tâm hồn héo”, “Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối, Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.” (1) .

Trong cụm câu trên:

–        câu 1 là câu chuyển ý;

–        câu 2 nêu ý chung, khái quát của cả cụm câu nên là câu chủ ý;

–       câu 3, 4, 5 là ba câu thuyết minh bằng ý triển khai và dẫn chứng nên chúng là các câu thuyết ý; (bốn câu thơ đặt trong dấu ngoặc kép minh họa ý của câu 5).

–        Cụm câu này không có câu mở ý, câu luận ý và câu kết ý.

3.3 Có thể từ quan hệ ngữ pháp đẳng lập và chính phụ giữa các câu trong cụm câu để suy ra mối quan hệ ngữ pháp đẳng lập và chính phụ giữa các cụm câu trong đoạn văn, giữa các đoạn văn trong mục, giữa các mục trong tiết, giữa các tiết trong chương v.v…

Thí dụ 1: Cụm câu về Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn văn “Tài sắc chị em Thúy Kiều có quan hệ đẳng lập tiếp nối (vì cụm câu nói về Kiều chứa phó từ “càng, lại” và tính từ “hơn” có tác dụng liên kết). Cả hai cụm câu này có cùng chức năng là cụ thể hóa cho cụm bốn câu giới thiệu khái quát về hai chị em Vân, Kiều đứng trước chúng. Các chương hồi trong tiểu thuyết chương hồi xưa, các tiết trong chương của một luận văn khoa học, các mục trong tiết hay trong phần giải quyết vấn đề của một văn bản vài trang thường có quan hệ ngữ pháp đẳng lập.

Trong trích đoạn “Tài sắc chị em Thúy Kiều“, cụm câu bốn dòng giới thiệu khái quát Vân, Kiều là cụm câu chính và hai cụm câu nói cụ thể về Vân, Kiều sau đó là hai cụm câu phụ. Chúng có quan hệ ngữ pháp chính phụ. Trong bài làm văn của học sinh phổ thông cơ sở, thông thường (không phải luôn luôn), phần đặt vấn đề và phần giải quyết vấn đề có quan hệ chính phụ; phần giải quyết vấn đề và phần kết thúc vấn đề có quan hệ phụ chính; mỗi luận điểm trong phần giải quyết vấn đề thường được viết dưới dạng một đoạn văn và chúng có quan hệ đẳng lập.

Thí dụ 2: Bản “Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch được mở đầu bằng năm khổ viết, bốn cụm câu như sau:

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. (cụm câu 1 gồm hai câu)

Lời bất hủ ấy ở trong bản ’Tuyên ngôn độc lập’ năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. (cụm câu 2 gồm hai câu)

Bản ‘Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền’ của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“Người ta sinh ra tự do và bình  đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình  đẳng về quyền lợi”. (cụm câu 3 gồm hai câu, câu sau vốn là bổ tố của câu trước)

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. (cụm câu 4 gồm một câu)

Trong trích đoạn trên:

–         Cụm câu 1 gồm hai câu đẳng lập có tính chất tiền đề, cụm câu 2 gồm hai câu đẳng lập đánh giá, nêu xuất xứ và nêu ý suy diễn, kết luận từ tiền đề được nêu trong cụm câu 1. Như vậy, hai cụm câu 1, 2 có quan hệ ngữ pháp chính phụ. Cụm câu 1 là cụm câu phụ, cụm câu 2 là cụm câu chính. Chúng hợp lại thành một đoạn văn thứ nhất.

–         Tương tự, cụm câu 3 (một câu ngữ pháp được viết tách thành hai câu trong văn bản) nêu tiền đề, cụm câu 4 (chỉ có một câu cuối) bàn luận, đánh giá về tiền đề được trích dẫn trong cụm câu 3. Như vậy: cụm câu 3 là cụm câu phụ, cụm câu 4 là cụm câu chính. Hai cụm câu này hợp lại thành một đoạn văn thứ hai.

–         Hai đoạn văn này có cấu trúc tương tự, nêu hai ý tương tự. Chúng là hai đoạn văn có quan hệ đẳng lập làm nên phần mở đầu của bản Tuyên ngôn, xác lập cơ sở lí luận cho bản Tuyên ngôn: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Đối với đoạn văn và kết cấu văn bản ở cấp độ cao hơn đoạn văn, tình hình cũng tương tự. Nghĩa là ở dạng tối đa, có thể gồm cụm câu hoặc đoạn văn chuyển ý, cụm câu hoặc đoạn văn mở ý, cụm câu hoặc đoạn văn chủ ý, cụm câu hoặc đoạn văn luận ý, các cụm câu hoặc đoạn văn thuyết ý và cụm câu hoặc đoạn văn kết ý. Đó là cấu trúc thông báo tối đa. Trong thực tế hành văn, người viết có thể viết cụm câu, đoạn văn… có cấu trúc khuyết một hoặc vài thành tố.

Người ta còn dùng những từ ngữ khác để chỉ các loại câu trong cụm câu xét về mặt thông báo. Đó là cấu trúc mở – tổng – phân – luận – hợp. Câu mở chính là câu mở ý, câu tổng chính là câu chủ ý, câu hoặc các câu phân chính là câu hoặc các câu thuyết ý, câu luận chính là câu luận ý, câu hợp chính là câu kết ý.

4.  QUAN HỆ GIỮA CÁC CÂU MỞ Ý, CHỦ Ý, THUYẾT Ý, LUẬN Ý VÀ KẾT Ý

4.1  Quan hệ giữa câu mở ý và câu chủ ý

Về mặt ngữ pháp, câu mở ý và chủ ý thường có quan hệ đẳng lập, tuy nhiên cũng có khi chúng có quan hệ chính phụ tuỳ thuộc vào quan hệ ý nghĩa khái quát giữa chúng.

Nếu câu chủ ý phát triển câu mở ý bằng một ý tương phản hoặc tương đồng hoặc song hành với câu mở ý thì nó đẳng lập với câu mở ý. Thí dụ: trong trích văn của Lê Thuý Bảo Nhi (đã dẫn), câu mở ý “Rồi Ly mười tám tuổi.” và câu chủ ý “Mười tám tuổi, Ly chợt sáng bừng lên như một đoá hồng nhung buổi sáng.” có quan hệ ngữ pháp đẳng lập vì ý trong hai câu này song hành tiếp nối.

Nếu câu chủ ý phát triển câu mở ý bằng một ý kết quả hoặc suy luận hoặc một ý khái quát hoá thì câu chủ ý có quan hệ chính phụ với câu mở ý: câu mở ý là câu phụ, câu chủ ý là câu chính. Thí dụ:

(1) Những bất hạnh của cuộc đời riêng và những bất hạnh của dân tộc là những thử thách vô cùng lớn lao với Nguyễn Đình Chiểu. (2) Vì vậy, cuộc đời ông là cuộc đấu tranh vô cùng gay go gian khổ. (3) Đấu tranh để không bị gục ngã trước số phận khắc nghiệt và tàn bạo; đấu tranh để chống lại lưới bẫy của kẻ thù, những thành kiến lỗi thời của xã hội… (4) Đấu tranh với bên ngoài, đấu tranh với cả bản thân trước những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo để gia nhập vào hàng ngũ nhân dân cách mạng và trở thành người nghệ sĩ nhân dân. (5) Đấu tranh không phải chỉ để giữ mình mà để khẳng định vị trí chiến đấu của bản thân mình trong cuộc đời với tư cách người công dân, người trí thức, người nghệ sĩ. (1)

Câu 1, mở ý là câu phụ, câu 2, chủ ý là câu chính, nội dung câu này nêu một ý suy luận từ câu mở ý.

4.2 Quan hệ giữa câu chủ ý và các câu thuyết ý

Về mặt ngữ pháp, chúng luôn có quan hệ chính phụ. Trong đó, câu chủ ý luôn là câu chính, câu hoặc các câu thuyết ý luôn luôn là câu hoặc các câu phụ. 

Về mặt logic, các câu thuyết ý luôn là các câu thuyết minh ý cho câu chủ ý. Chúng có thể thuyết minh câu chủ ý bằng cách nêu ra bằng chứng, thí dụ, dẫn chứng (chứng minh) hoặc thuyết minh bằng cách nêu định nghĩa, nêu ý triển khai hoặc nêu nguyên nhân (giải thích).

Lôgic học đã xác định: giữa các khái niệm có thể có các mối quan hệ tương thích và không tương thích. Các mối quan hệ tương thích là: quan hệ đồng nhất, quan hệ giao, quan hệ bao hàm. Các mối quan hệ không tương thích là quan hệ tách rời và quan hệ mâu thuẫn. Giữa ý của câu chủ ý và ý của các câu cụ thể hóa nó, cố nhiên, phải có mối quan hệ tương thích, nhưng hơn thế nữa, giữa chúng còn phải có quan hệ đồng nhất. Nghĩa là, ngoại diên của khái niệm được diễn đạt trong câu chủ ý phải trùng với tổng ngoại diên của các khái niệm được diễn đạt trong các câu cụ thể hóa nó. Nếu yêu cầu trên không được bảo đảm, người viết sẽ mắc một trong các lỗi sau đây.

–         Thiếu ý: Cụm câu diễn dịch, trong đó, các câu thuyết ý triển khai không hết ý của câu chủ ý (lỗi triển khai dưới tầm) hoặc cụm câu quy nạp, trong đó, các câu tiền đề chưa đủ cơ sở để dẫn tới ý trong câu kết luận (lỗi quy nạp quá tầm). Nói cách khác, ngoại diên của khái niệm trong câu chủ ý lớn hơn tổng ngoại diên của các khái niệm trong các câu thuyết ý cụ thể hóa nó. Thí dụ:

Các loài cây đòi hỏi lượng muối khoáng không giống nhau. Những loài cây trồng lấy quả, hạt cần nhiều phốt pho và ni tơ. Cây trồng lấy củ (cà rốt, khoai lang, củ cải…) cần nhiều ka li.

–         Xa đề: Cụ thể là các câu tiếp nối nói lan man ngoài ý trong câu chủ ý.  Thí dụ:

Lòng thương người của Nguyễn Du bao trùm toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều. Đoạn trích nào trong sách giáo khoa ông cũng nâng cao phẩm giá con người. Kiều thương cha bị đòn mà phải bán mình. Điều này như cho chúng ta thấy rõ hơn cuộc sống hồng nhan của Kiều. ông thương xót Kiều vì Kiều đã chịu bao nhiêu tai họa. Ta cũng biết rõ hơn thế nào là hồng nhan bạc mệnh.

–         Lạc đề: Cụ thể là các câu tiếp nối nói sang chuyện khác hẳn ý trong câu chủ ý. Thí dụ:

Nam Cao viết nhiều về nông thôn. Lão Hạc ăn bả chó để tự tử và tránh đói. Anh cu Phúc chết lặng lẽ trong xó nhà ẩm ướt trước những đôi mắt “dại đi vì đói” của hai đứa con. Bà cái Tý chết vì một bữa no, tức là một kiểu chết vì quá đói. Lại có cả cảnh đám cưới, nhưng cưới để chạy tang.

4.3  Quan hệ giữa các câu thuyết ý với nhau

Về mặt ngữ pháp, các câu thuyết ý cùng bậc luôn có quan hệ đẳng lập với nhau vì chúng có cùng chức năng thuyết minh ý cho câu chủ ý.

Về mặt logic, các câu thuyết ý cùng bậc có thể có quan hệ tương phản, tương đồng hoặc song hành. Có quan hệ tương phản khi trong nội dung có sự đối chọi về một mặt nào đó; có quan hệ tương đồng khi trong nội dung cùng thuyết minh cho câu chủ ý nhưng trên cùng một bình diện (cùng là bằng chứng, cùng là thí dụ, cùng là dẫn chứng, cùng là định nghĩa, cùng là ý triển khai hoặc cùng nêu ý nguyên nhân); có quan hệ song hành khi là những câu trình bày theo trật từ thời gian, không gian hay một trật tự logic nào đó. Thí dụ:

(1) Toả ánh sáng một tâm hồn lớn, “Nhật kí trong tù” cũng toả ánh sáng một trí tuệ lớn. (2) Đó là ánh sáng của thế giới quan, nhân sinh quan Mác – Lê nin, là ánh sáng của những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú được tổng kết sâu sắc của một lãng tụ vĩ đại. (3) “Học đánh cờ” là tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chiến thuật quân sự được hình tượng hoá mà thành thơ. (4) “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” là tuyên ngôn bằng thơ của cách mạng. (5) “Cột cây số”, “Nghe tiếng giã gạo” là những bài học lớn về đạo đức cách mạng. (6) Thơ “Nhật kí trong tù” bài nào cũng lấp lánh ánh sáng của một trí tuệ lớn.

Trong cụm câu trên, câu 1 là câu chủ ý, câu 2, 3, 4, 5 là các câu thuyết ý, câu 6 là câu kết ý. câu 2 là câu thuyết ý bằng một định nghĩa: định nghĩa trí tuệ lớn; ba câu 3, 4, 5 là ba câu thuyết ý bằng dẫn chứng. Ba câu này có quan hệ tương đồng vì cùng là các dẫn chứng cho ý trong câu chủ ý. Còn câu 2 và ba câu này có quan hệ song hành vì cùng là các câu thuyết ý nhưng thuyết ý theo các bình diện khác nhau.

Cần chú ý là: trong các câu thuyết ý có thể có các câu thuyết ý cho một câu thuyết ý khác. Ở trường hợp này sẽ có 2 câu thuyết ý khác bậc: bậc thuyết ý cho câu chủ ý và bậc thuyết ý cho một câu thuyết ý khác. Thí dụ: trong trích văn “Thành đọc sách nhiều nhưng cũng chơi nhiều…” (đã dẫn, xem cuối trang 46), ba câu 2, 4, 6 là ba câu thuyết ý bậc 1: thuyết ý trực tiếp cho câu chủ ý (Thành chơi nhiều); câu 3 thuyết ý cho câu 2 (nói cụ thể về ‘núi Chung’ trong câu 2), câu 5 thuyết ý cho câu 4 (nói cụ thể về ‘đền Thánh Cả’ trong câu 4). Hai câu 3 và 5 là hai câu thuyết ý bậc 2. Về mặt ngữ pháp, câu thuyết ý bậc 1 và câu thuyết ý bậc 2 sẽ tạo nên một cấu trúc ngữ pháp chính phụ bậc hai: trong đó, câu phụ cho câu chủ ý sẽ là câu chính trong tương quan với câu thuyết ý, phụ cho nó. Cặp câu 2 và 3 cũng như cặp câu 4 và 5 đã tạo nên các cặp câu có cấu trúc chính phụ bậc hai.

Lôgic học đã chỉ ra các khái niệm cùng hạng trong một loại (cùng bị bao hàm bởi một khái niệm khác) có thể thuộc một trong hai mối quan hệ ngang hàng hoặc đối chọi. Do vậy, trong cụm câu diễn dịch, các câu cụ thể hóa ý cho câu chủ ý phải có mối quan hệ lôgic ngang hàng, nghĩa là chúng phải diễn đạt những ý tưởng bộ phận thuộc cùng một tiêu chí phân loại. Ở cấp độ cao hơn, các tiết trong chương, các mục trong tiết, các tiểu mục trong mục, các đoạn văn trong tiểu mục… cũng phải có quan hệ ngang hàng về mặt logic. Cần tuyệt đối tránh viết những câu cụ thể hóa ý có mối quan hệ giao hoặc không được phân chia trên cùng một tiêu chí phân loại. Yêu cầu trên cũng cần được quán triệt cả ở cấp độ các kết cấu văn bản cao hơn cụm câu. Dưới đây là hai thí dụ phạm lỗi.

Thí dụ 1: Các mục trong đại mục của một luận văn tốt nghiệp.

I. CÁC Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ ĐƠN VỊ NPVB TRÊN CÂU:

1. Quan niệm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và tạp chí “Ngôn ngữ”

2. Quan niệm về đơn vị trên câu trong các giáo trình – sách giáo khoa –   tiếng Việt thực hành    (H.T.Th H, Cử nhân văn K21)

            Dàn ý này có các lỗi sau:

a)     Mục 1 đã bao hàm mục 2; bởi vì các nhà nghiên cứu ngôn ngữ là những người viết bài trên tạp chí ngôn ngữ và sách, giáo trình về ngôn ngữ học.

b)     Các nhà ngôn ngữ không ngang hàng với tạp chí ngôn ngữ nên không thể dùng từ “” để nối kết hai đối tượng ấy.

c)     Sách Tiếng Việt thực hành chính là giáo trình nên không thể viết như mục 2 được.

d)     Trong mục 1 đã tỉnh lược ngữ “về đơn vị trên câu” thì trong mục 2 cũng phải làm như vậy.

e)     Trong hai mục 1, 2 dùng từ “quan niệm” để thay thế từ “ý kiến” là chưa tốt.

Cần sửa lại như sau:

I. CáC QUAN NIỆM KHáC NHAU VỀ ĐơN VỊ NPVB TRêN CâU:

  1. Quan niệm trong các tạp chí ngôn ngữ học
    1. Quan niệm trong sách, sách giáo khoa và giáo trình ngôn ngữ học

Thí dụ 2: Các mục trong hai đại mục của một giáo trình.

I.  CÁC HÌNH THÁI CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT

            1.  Chủ nghĩa duy vật cổ đại

            2.  Chủ nghĩa duy vật siêu hình

            3.  Chủ nghĩa duy vật Mác-ăng ghen được kế thừa bởi Lê nin

II. CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

            1.  Phép biện chứng cổ đại

            2.  Phép biện chứng duy tâm

            3.  Phép biện chứng duy vật                     

Ba mục nhỏ trong mỗi đại mục I và II là kết quả phân loại không xuất phát từ cùng một tiêu chí. Chúng không có quan hệ ngang hàng.

4.4  Quan hệ giữa câu chủ ý và câu luận ý, câu kết ý

Về mặt ngữ pháp, câu chủ ý có thể có quan hệ chính phụ hoặc đẳng lập với câu luận ý, câu kết ý tuỳ thuộc mối quan hệ về mặt ý nghĩa khái quát giữa chúng. Nếu câu luận ý, kết ý nêu ý bàn rộng song hành hoặc diễn đạt lại ý trong câu chủ ý thì chúng có quan hệ đẳng lập; nếu câu luận ý, kết ý bàn rộng bằng cách nêu lên một ý suy luận hoặc khái quát hoá thì câu luận ý hoặc kết ý sẽ là câu chính và câu chủ ý sẽ là câu phụ. Thông thường, câu chủ ý, câu luận ý và câu kết ý có quan hệ đẳng lập. Thí dụ:

Câu chủ ý và câu luận ý đẳng lập: (1) Trước hết ta không nên quên rằng trong văn nghệ cũng như trong triết học, cũng như trong phạm vi chính trị, tự do là một vấn đề tương đối, không phải một vấn đề tuyệt đối. (2) Mọi sự lạm dụng xung quanh danh từ đó đều có thể gây nên ảnh hưởng xấu. [Câu 2 là câu luận ý nêu một ý bàn rộng song hành với câu 1]

Câu chủ ý và câu kết ý có quan hệ đẳng lập: Câu chủ ý (1): “Toả ánh sáng một tâm hồn lớn, ‘Nhật kí trong tù’ cũng toả ánh sáng một trí tuệ lớn.” và câu (6) kết ý: “Thơ ‘Nhật kí trong tù’ bài nào cũng lấp lánh ánh sáng của một trí tuệ lớn.” [Câu 6 diễn tả lại ý trong câu chủ ý dưới hình thức ngôn từ khác]

Tóm lại, trong thực tế hành văn, người viết có thể viết rất nhiều cụm câu, đoạn văn thuộc các thể loại khác nhau làm nên tính phong phú, đa dạng của các loại câu trong văn bản xét về mặt cấu trúc thông báo. Do đó muốn chỉ ra chính xác mỗi câu trong cụm câu thuộc loại nào xét về mặt chức năng thông báo của chúng thì nhất thiết phải xuất phát từ nội dung từng câu và mối quan hệ giữa các ý của từng câu, gắn với đặc điểm thể loại của cụm câu. Trong nhà trường phổ thông, việc viết văn nghị luận được chú ý nhiều. Xét về mặt chức năng thông báo, một cụm câu nghị luận chính phụ, hợp nghĩa, có thể có tối đa sáu loại câu: câu chuyển ý, câu mở ý, câu chủ ý, câu luận ý, câu thuyết ý, câu kết ý. Tuy nhiên nếu cho rằng có thể chỉ dùng duy nhất lí thuyết ấy để phân loại câu về mặt thông báo trong mọi trường hợp thì dễ mắc sai lầm.(1)

Vậy là, khi xem xét cấu trúc nội bộ của các kết cấu văn bản về mặt thông báo, phải nắm chắc các mối quan hệ phong phú giữa các đơn vị và kết cấu văn bản; phải nắm chắc các tiêu chí phân loại và các hệ thống phân loại đơn vị và kết cấu văn bản. Riêng đối với việc dạy thực hành dựng đoạn, hệ thống phân loại dựa vào chức năng thông báo của từng thành tố trong kết cấu văn bản là có nhiều tác dụng hơn cả.

III. KẾT LUẬN

Như đã trình bày, cứ giữ nguyên cách hiểu thuật ngữ ngôn ngữ và ngữ pháp theo cách của F. de Saussure thì cũng được, nhưng mọi thuật ngữ khoa học đều có thể được quan niệm lại khi việc nghiên cứu đã có những bước chuyển. Cho nên, có thể theo gợi ý của cố giáo sư Hoàng Tuệ để mở rộng khái niệm ngữ pháp, khái niệm ngôn ngữ; từ đó nói tới khái niệm QHNP văn bản và các loại QHNP đẳng lập, chính phụ trong văn bản như những thuật ngữ thuộc phạm trù ngữ pháp học – bộ môn của ngôn ngữ học, khoa học nghiên cứu cả ngôn lẫn ngữ, cả hệ thống nguyên liệu tĩnh trạng lẫn hệ thống hành chức của nó. Các ĐV và KCVB trực tiếp làm chức năng giao tiếp nên quan hệ thông báo được quan tâm trước hết nhưng cũng không thể quên rằng các ĐV và KCVB có bản chất ngữ nghĩa – ngữ pháp – ngữ ý. Việc nhận rõ QHNP giữa các ĐV và KCVB trong văn bản có tác dụng thiết thực cho khâu biên tập xuất bản và khâu sửa đoạn văn và văn bản trong môn làm văn. Nó cũng tạo cơ sở lí luận cho việc khắc phục khuynh hướng sửa văn chỉ chăm chú sửa câu mắc lỗi và chỉ chú ý tới quan hệ logic và thông báo giữa các câu, đoạn.

(1)  Các đơn vị này có thể coi là các đơn vị ngôn ngữ được hay không còn tùy thuộc vào nội hàm của khái niệm ngôn ngữ trong quan niệm của từng người. Có người gọi đó là các đơn vị của lời nói, của ngôn từ, của văn bản (Xem Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt Sơ thảo ngữ pháp chức năng, KHXH, 1991), có người gọi đó là các đơn vị ngôn giao – giao tiếp bằng ngôn ngữ  (Xem Hồ Lê, Quy luật ngôn ngữ, Quyển 2, Tính quy luật của cơ chế ngôn giao, KHXH, 1996), có người khẳng định đó là các đơn vị ngôn ngữ. (Xem Lưu Vân Lăng, Hệ thống thành tố cú pháp với nòng cốt câu, Ngôn ngữ  số 1-1995).

KCVB nhỏ nhất được Nguyễn Đức Dân gọi là CỤM CÂU, Lưu Vân Lăng gọi là LỜI (hay PHÁT NGÔN), Hồ Lê gọi là TIỂU KHÚC. KCVB bậc trên liền kề của cụm câu được Hồ Lê gọi là TIỂU ĐOẠN và nhiều người gọi là ĐOẠN VĂN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, Tập hai, Nxb GD, 1996
  2. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, Đại cương ngôn ngữ học, Tập hai, Nxb GD, 1993
  3. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb GD, 1995
  4. Cao Xuân Hạo, TIẾNG VIỆT sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb KHXH, 1991
  5. John Lyons, Nhập môn ngôn ngữ học lý thuyết, Vương Hữu Lễ dịch, Nxb GD, 1997
  6. Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên…Văn học 10, Tập một, Nxb GD, 1996
  7. Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Văn học 12, Tập một, Nxb GD, 1992
  8. O.I. Moskalskaja, Ngữ pháp văn bản, Trần Ngọc Thêm dịch, GD, 1996
  9. Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn, Ngôn ngữ học Khuynh hướng – Lĩnh vực – Khái niệm, Nxb KHXH, Tập II, 1986
  10. Ferdinand de Saussure – Giáo trình ngôn ngữ học đại cương – Nxb KHXH, 1973
  11. Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, KHXH, H.1985
  12. Lê Đức Trọng, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993
  13. Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ – số 9/2000
  14. Encyclopaedia Universalis, Corpus 13, Ed. à Paris, 1996.

Nguyễn Hữu Chỉnh

Tạp chí NGÔN NGỮ số 6/2002

Sửa chữa và bổ sung năm 2007


(1)  Hoàng Như Mai…, Văn học 12, Tập 1, Nxb GD, trang 9

(1) Phạm Thế Ngũ, Khảo luận về thơ cũ Trung Hoa, Phạm Thế xuất bản, tr. 98

(1)  Hồ Tĩnh Tâm, Cô gái gọi mặt trời, Tuổi trẻ chủ nhật 28-9-2003

(2)  Lê Thúy Bảo Nhi, Hai chị em, Giải ba cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, Tuổi trẻ chủ nhật số 36/2000

(1)  Lê Khả Phiêu,  Trả lời phỏng vấn,  Tuổi trẻ, Thứ năm  7 – 5 – 98

(1)  Chim Văn Bé – Giáo trình Làm văn – Tập 2 – Đại học Cần Thơ, 1992

(1)   Trần Đăng Xuyền và … – Giảng văn văn học Việt Nam – Nxb GD, 1999, tr. 542

(1)   Hà Huy Giáp, Diễn văn đọc tại cuộc mít tinh kỉ niệm lần 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu

(1)  SGK và sách hướng dẫn giảng dạy cũng có những sai sót đáng tiếc. Để biết cụ thể xin  xem ba bài báo: Bài tập ‘mẹo’ hay bài tập sai?; Sao lại hướng dẫn học sinh lớp 9 như thế? (Ngôn ngữ và Đời sống số 5 và số 9/2003); Đôi điều bàn lại về lí thuyết trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 (Ngôn ngữ số 1-2007)

Leave a comment